Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 7,08%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Các vùng sản xuất như: lúa, ngô, chè, chuối, dứá… được hình thành khá rõ nét. Tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật giống, thâm canh, tăng vụ. Trên 90% diện tích cây lương thực được gieo trồng giống mới có năng suất cao. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng từ 14 triệu đồng (năm 2005) lên 33 triệu đồng (năm 2010). Chăn nuôi đại gia súc bước đầu hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Khai thác có hiệu quả những ưu thế về mặt nước, khí hậu để nuôi trồng thủy sản một cách đa dạng, giá trị sản xuất bình quân từ 18,1 triệu đồng/ha năm 2005 lên 53,3 triệu đồng/ha năm 2010.
![]() |
Cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Lào Cai. |
Lâm nghiệp được coi trọng và phát triển theo hướng bền vững với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trồng rừng kinh tế phát triển mạnh, hình thành các vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến. Độ che phủ rừng tăng từ 45% năm 2005 lên 50% năm 2010.
Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn nhiều nơi đổi mới. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hóa ngành nghề. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Quán triệt tư tưởng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định: Coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, lấy phát triển công nghiệp là đột phá, phát triển thương mại - du lịch, dịch vụ là mũi nhọn. Trên tinh thần đó, trong những năm tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất mang tính tự nhiên, truyền thống sang sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung đầu tư có trọng điểm vào những cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh, hình thành rõ nét các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với chế biến. Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyên ngư và công tác thú y. Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Phát triển nông, lâm và xây dựng nông thôn mới”. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân đạt 6,5%/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 245 nghìn tấn, tăng 7,5% so với năm 2010; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân tăng 6% - 7%/năm, riêng ngành thủy sản tăng bình quân 11,8%/năm. Đáp ứng 65% nhu cầu giống lúa lai chất lượng tốt cho nhu cầu sản xuất của tỉnh. Đến năm 2015, nâng giá trị sản xuất lên 38 triệu đồng/ha.
Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế gắn với chế biến lâm sản, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng. Chú trọng bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng rừng sinh thủy tại các huyện vùng cao, rừng cảnh quan tại các trung tâm thành phố, khu du lịch. Phấn đấu nâng độ che phủ của rừng đạt 53% vào năm 2015.
Tập trung xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia ở 144 xã trong toàn tỉnh. Nâng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ đói, nghèo xuống còn dưới 25%. Bảo đảm an sinh xã hội, an ninh nông thôn; chú trọng trợ giúp đào tạo nghề, tạo việc làm phi nông nghiệp, phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, hệ thống bảo hiểm… đối với nông dân.
Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái. Cơ bản các khu, cụm công nghiệp,tiểu thủ công nghiệp phải có hệ thống xử lý chất thải và nước thải. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, đặc biệt là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.