• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Con dấu - "sứ giả" văn hóa nhỏ bé của Hà Nội

HNP - Khắc dấu là một trong những nghề cổ của đất Thăng Long. Trên những con phố ngày nay, có những cửa hàng khắc dấu nhỏ nhỏ, xinh xinh. Những cửa hàng ấy làm ra những sản phẩm nhỏ bé, nên đôi khi, người ta vụt đi qua mà không biết rằng, những con dấu nhỏ bé ấy, góp phần đưa những hình ảnh về Thăng Long - Hà Nội, về văn hóa Việt Nam đến những phương trời xa.

31/12/2011 15:03
Đỗ Văn Minh, người thợ trẻ đã theo nghiệp gia đình, gắn bó với nghề làm dấu.


Nghề khắc dấu có ở Thăng Long từ khi nào hầu như chưa được các nhà nghiên cứu chú tâm. Khu vực 36 phố phường xưa có nhiều đình thờ tổ nghề như tổ nghề thêu, tổ nghề đóng giày, tổ nghề rèn, tổ nghề chạm bạc... Nhưng không có tổ nghề khắc dấu, khiến càng khó xác định niên đại của nghề làm ra con dấu. Song, có một điều chắc chắn, nghề khắc dấu có tuổi đời không thua kém các nghề cổ khác của Thăng Long. Thăng Long là đất tinh hoa hội tụ. Từ xưa lắm, các bậc trí thức, Nho sinh, các tao nhân mặc khách đều hội tụ ở đất này. Thư pháp, thơ phú... là thú chơi phổ biến của người xưa. Mỗi tác phẩm thư pháp chỉ có thể hoàn thành khi người ta đề xong "lạc khoản" và ấn chương. Khi sáng tác thơ, người ta cũng hay để lại ấn chương để ghi danh. Nghề khắc dấu hẳn đã ra đời cùng với những thú chơi hào hoa ấy, khi người ta cần một con dấu nhỏ để ghi danh.

Cùng với dòng thời gian, nhiều nghề cổ đã xuất hiện, rồi trôi vào dĩ vãng ở mảnh đất này. Hà Nội có mấy chục phố có tên Hàng, nhưng chỉ còn lại vài con phố tên Hàng giữ nghề xưa. Thật kỳ lạ, trong khi không có một con phố nào được đề danh "Hàng Dấu", thì nghề khắc dấu lại khá phát triển. Hầu hết các con phố cổ có đông du khách nước ngoài đều có những hàng khắc dấu, có thể kể ra các phố như Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Hàng Bạc, Đinh Liệt... nhiều nhất ở Hàng Quạt. Chỉ một đoạn phố ngắn, có đến ngót chục cửa hàng khắc dấu khác nhau. Điều ấy nói lên rằng, nghề cổ truyền này đang phát triển mạnh trong thời hiện đại.

Một trong những người thợ khắc dấu nổi tiếng ở Hà Nội là ông Phạm Ngọc Toàn, ở số 6 phố Hàng Quạt. Gia đình ông Toàn nhiều đời theo nghề mộc. Chưa đầy mười tuổi, ông đã quen với búa, với đục, với cưa. Có một thời gian dài, nghề khắc dấu tưởng chừng đã biến mất, khi các con dấu chỉ tồn tại trong những cơ quan nhà nước, gắn với các văn bản hành chính. Nhưng rồi, xã hội đổi thay, cơ chế thị trường mở ra, rồi Việt Nam mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới, khách du lịch đến với Hà Nội ngày một nhiều. Đây là điều kiện để nghề khắc dấu trở lại. Xưa, con dấu chủ yếu được dùng làm đồ vật ghi danh thì nay, ông là một trong những người tiên phong biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật tí hon. Ông Toàn đưa những hình ảnh của văn hóa Việt Nam vào con dấu. Những cảnh làng quê bến nước, những lũy tre con đò, những mục đồng thổi sáo, những cô gái nón lá áo dài... đều hiện lên trên những mẩu gỗ tưởng như vô tri.

Những con dấu xinh xắn mang dấu ấn Hà Nội


Con dấu thông thường hình vuông, tròn hay chữ nhật chỉ có đường kính chừng 4-5 cm. Gỗ làm con dấu là gỗ thừng mực, một loại gỗ mềm để khắc cho thuận tiện. Trên một bề mặt bé xíu ấy, có khi là cả một bức tranh. Những nhân vật trong bức tranh khắc này, đôi khi chỉ cao vài mm. Cái tài hoa của người thợ, là ở chỗ, trên bề mặt bé xíu ấy, họ khắc lên những hình thù phong phú mà không cần bất cứ một phác họa nào. Nghề khắc dấu không cho phép sai sót. Nếu một nhát dao khắc nhỡ tay là hỏng luôn con dấu rồi. Được tạo hình cơ bản sẵn, nên khách hàng chỉ cần đợi chừng 30 phút, là được sở hữu một tác phẩm nghệ thuật. Trong lúc chờ đợi, khách hàng được chứng kiến sự tài khéo của những người thợ thủ công. Một con dấu nhỏ chỉ có giá từ 60.000 đến 100.000 đồng (tương đương 3-5 USD). Đây cũng chính là lý do khiến các con dấu rất thu hút khách du lịch.

Anh Phạm Đức Trí, thợ khắc dấu gỗ tại số 6 phố Hàng Quạt là sinh ra trong một gia đình khắc dấu gỗ nhiều đời. Anh Trí học nghề khắc dấu từ cha và ông nội. Anh cho biết, có khách hàng người Nhật quá yêu thích những con dấu nghệ thuật đã từng sáng tác một truyện tranh về nghề này. Theo anh, những vị khách Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, nơi có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam thường tỏ ra rất thích khi họ có thể đem về nước một "dấu ấn" về Hà Nội. Chúng tôi gặp một thợ trẻ ở số 7, phố Đinh Liệt, anh Đỗ Văn Minh. Mới 20 tuổi, có thể coi Minh là người thợ trẻ nhất ở khu vực này. Minh tâm sự: "Nghề này khó nhất ở sự kiên trì, phải mất hai năm theo học, em mới làm được". Gia đình Minh cũng mấy đời làm nghề khắc gỗ. Minh học nghề từ chú mình, chủ một cửa hàng khác, ở 62 phố Hàng Quạt. Trong những sản phẩm mẫu của Minh, ta bắt gặp vô số hình ảnh đẹp về Hà Nội như chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, Tháp Rùa..., bên cạnh những hình thù ngộ nghĩnh, dễ thương khác. Trong số khách hàng chờ đợi, có chị Saki Kumagai đến từ Nhật Bản, chị nói rằng văn hóa Nhật và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Chị rất thích những con dấu, và chị đặt mua gần 10 con dấu có hình ảnh khác nhau về Hà Nội, về Việt Nam để đem về tặng bạn bè.

Ngoài đối tượng khách nước ngoài, hiện nhiều người trong nước cũng yêu thích những con dấu. Có người khắc dấu riêng dành cho tủ sách gia đình, lại có người khắc dấu mang hình con giáp, con giống, hoặc một bức họa nho nhỏ... Người ta mua dấu không chỉ để đóng lên đồ vật mà còn chỉ để chơi, để trưng bày, thậm chí có người sưu tầm. Con dấu không chỉ hấp dẫn người già, con dấu còn thu hút giới trẻ.
Hà Nội đẹp bởi các phố nghề cổ. Có những nghề đã thất truyền. Có nghề vẫn đứng vững với thời gian. Dẫu nhỏ bé, nhưng nghề khắc dấu đang góp mình tạo nên sự quyến rũ của phố cổ. Điều đáng tự hào, là những con dấu nhỏ bé ấy, như một sứ giả nhỏ bé, theo chân du khách, đưa hình ảnh Việt Nam, đưa sự tài khéo của thợ thủ công Hà Nội đến những chân trời xa...

Lam Sơn