Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Công bố "Hoài Đức phủ toàn đồ" - Ảnh: Chinhphu.vn |
Hôm nay (24/9), Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam công bố Bản đồ Hà Nội 1831 – “Hoài Đức phủ toàn đồ”. Đây là món quà dành tặng Thủ đô nhân dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
“Hoài Đức phủ toàn đồ” là bản đồ toàn cảnh về phủ Hoài Đức trước cải cách hành chính của vua Minh Mệnh tháng 10 năm Minh Mệnh 12 (Tân Mão, 1831), trước khi Hà Nội được thành lập. Toàn phủ chỉ có 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận với 13 tổng.
Theo GS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, Bản đồ Hà Nội 1831 “Hoài Đức phủ toàn đồ” là tấm bản đồ có độ chính xác cao, mô tả khá chi tiết về hình thể tự nhiên và các thiết chế xã hội của Kinh đô Thăng Long đầu thế kỷ XIX.
Đây là bản sao duy nhất của tấm bản đồ “Hoài Đức phủ toàn đồ” do hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ. Bản đồ gốc hiện đã cũ nát, cần phải có biện pháp tu bổ, bồi vá theo phương pháp tiên tiến để khôi phục và bảo quản.
“Hoài Đức phủ toàn đồ” lâu nay đã được biết đến qua bản vẽ lại của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá. Trong bản vẽ có phiên âm toàn bộ chú thích của bản đồ từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ.
Từ trước đến nay, giới chuyên môn mới chỉ tiếp cận với bản vẽ lại này nên còn nhiều băn khoăn và muốn được đối chiếu với bản gốc.
“Bằng các kỹ thuật tốt nhất có ở Việt Nam, hy vọng bản sao duy nhất này cũng phản ánh được trung thành bản gốc, đáp ứng được yêu cầu của những người làm nghiên cứu”, GS Đỗ Hoài Nam cho biết.
Một số ý kiến của các nhà khoa học về giá trị đặc biệt của “Hoài Đức phủ toàn đồ” GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Đây có thể coi là bản đồ đầu tiên do người Việt Nam vẽ theo phương pháp họa đồ hiện đại của phương Tây. Việc đo đạc thực địa, thể hiện theo tỷ lệ xích cung cấp cấp nhiều số liệu rất quý để nghiên cứu khoảng cách của các ô cửa của thành Đại La, độ dài của các con đường giao thông của phủ Hoài Đức và cùng phụ cận, quy mô của một số di tích. Hệ thống đơn vị hành chính từ huyện đến tổng và các đơn vị thôn, phường, trại không chỉ ghi lại trong bản danh mục mà còn được thể hiện rõ vị trí trên bản đồ. Từ những tư liệu này kết hợp với số liệu địa bạ (địa bạ là loại sổ ghi chép, thống kê về ruộng đất của các làng, xã trên cơ sở sự khám đạc và xác nhận của chính quyền), có thể dựng lại một cách tương đối bản đồ hành chính của phủ Hoài Đức tức kinh thành Thăng Long, thủ phủ Bắc Thành thế kỷ XIX. Hệ thống thành lũy, sông ngòi, ao hồ và nhiều di tích, nhiều địa danh lịch sử được ghi chép và định vị trên bản đồ. Đây là những thông tin rất có giá trị để góp phần nghiên cứu quy mô, cấu trúc thành Thăng Long, Hà Nội cùng các giá trị lịch sử văn hóa của vùng trung tâm Thủ đô Hà Nội. Thư viện Thông tin Khoa học xã hội cần khẩn cấp tìm giải pháp công nghệ hữu hiệu để gia cố, ngăn chặn tình trạng hư hỏng, hủy hoại, khôi phục lại nguyên trạng và bảo tồn lâu dài tấm bản đồ. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Bản sao duy nhất “Hoài Đức phủ toàn đồ” cho thấy vị trí các sông, hồ, đầm, đường một cách chính xác. Qua bản đồ có thể biết bao nhiêu ngọn núi đã bị bạt, bao nhiêu hồ bị lấp, những con đường hoặc đã bị bỏ hoặc được dùng đến tận bây giờ. Bản đồ cho thấy vị trí tòa lũy đất bao quanh khu kinh thành xưa. Đem bản đồ này so với bản đồ ngày nay sẽ thấy rõ rệt thành Thăng Long xưa phía Bắc và Tây Bắc nay là đường Thanh Niên, khúc đầu đình Thụy Khuê vòng ra phố Ngọc Hà, ra phố Giảng Võ; phía Nam là Đê La Thành, phố Xã Đàn, đường Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân; phía Đông là đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Nguyễn Khoái. Ngoài ra, bản đồ còn cho thấy vị trí các dinh thự, kho tàng, công sở trong và ngoài thành Hà Nội, danh mục 250 phường, thôn, trại thuộc 8 tổng của huyện Thọ Xương và 5 tổng của huyện Vĩnh Thuận. |
Hạnh Nguyên