Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là thông tin được đưa ra tại lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, báo cáo PCI 2021 ghi nhận những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh qua thời gian. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn.
Dù bối cảnh dịch bệnh, khảo sát doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều điểm sáng của môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố. Chẳng hạn: Chi phí không chính thức tiếp tục giảm trong nhiều thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; thủ tục hành chính tiếp tục được doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện nhờ công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, báo cáo PCI 2021 cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục cải thiện như: Cải cách thủ tục cấp giấy phép kinh doanh; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp hay triển khai hiệu quả và thực chất hơn nữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế…
Đại diện địa phương đứng đầu bảng xếp hạng, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh chia sẻ, đây là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi trong việc dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh Quảng Ninh.
Quảng Ninh đã giữ vững sự đoàn kết, đề cao tính gương mẫu và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; quyết liệt trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các hành vi nhũng nhiễu, "tham nhũng vặt".
"Nhiều mô hình quản trị mới được tỉnh mạnh dạn thí điểm thành công như thành lập Trung tâm Truyền thông, thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp; thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn; lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19", ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, khảo sát PCI 2021 diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp cả nước phải "gồng mình" chống chịu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp nhằm "vượt bão" COVID-19.
Việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã giúp nền kinh tế nước ta đang có những dấu hiệu khởi sắc.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thể chế, Chủ tịch VCCI cho rằng đây vẫn luôn là một trong những giải pháp quan trọng được thực hiện song hành với các công cụ tài khóa và tiền tệ.
Ông Phạm Tấn Công dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại hội lần thứ VII của VCCI vào ngày 31/12/2021 rằng: "Trong thời gian tới, không chỉ sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp nước ta phải cạnh tranh được với sản phẩm, hàng hoá của các nước khác mà chất lượng pháp luật, thủ tục hành chính, sự chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền các cấp của chúng ta cũng phải cạnh tranh được với các quốc gia khác".
Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ trong nhiều năm qua. Đó là tăng cường cải cách thể chế, đặc biệt là cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần được thực thi xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh là động lực quan trọng và là một trong những "chìa khóa" cho sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm sắp tới.
Ông Phạm Tấn Công khẳng định việc công bố "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" là hoạt động thiết thực, góp phần "tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế" mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Đây cũng là hoạt động của VCCI thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong các nghị quyết thường niên của Chính phủ về nhiệm vụ công tác đầu năm. Trong Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mới nhất mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 10/1/2022 đã giao nhiệm vụ cho VCCI "tiến hành điều tra và công bố thường niên chỉ số PCI; kết hợp, lồng ghép đánh giá kết quả và tác động của Nghị quyết."
Bên cạnh đó, Quyết định 288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/2/2022 về Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng đã đưa PCI là một chỉ tiêu chính để đánh giá kết quả cải cách hành chính ở các tỉnh, thành phố. Điều này nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của PCI như một công cụ hữu hiệu để đo lường chất lượng điều hành kinh tế và thúc đẩy các cải cách hành chính ở cấp tỉnh.
Khảo sát PCI 2021 vẫn nỗ lực thu thập được phản hồi từ hơn 11.300 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.200 doanh nghiệp FDI.
Báo cáo PCI 2021 cũng cung cấp những đánh giá tương đối lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam của các doanh nghiệp FDI.
Người đứng đầu VCCI cho rằng, năm 2022 là năm vượt khó, là năm "bước ngoặt" trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022 cũng là năm cần "thắp lửa" cải cách, tiếp tục khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh hơn trong những năm sắp tới. Kỳ vọng ấy chỉ có thể đạt được nếu có sự đồng hành, chung tay của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp.
"Chúng tôi tin tưởng với sự hợp tác và nỗ lực của tất cả các bên, năm 2022 sẽ đem lại sức sống mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng", Chủ tịch VCCI nói.
Huy Thắng