Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây cũng là nhiệm vụ được giao cho Bộ này trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
LPI là từ viết tắt của Logistics Performance Index (chỉ số hiệu quả logistics). Đây là một chỉ số do Ngân hàng Thế giới đưa ra để xếp hạng hiệu quả, năng lực hoạt động logistics của các quốc gia. Chỉ số này được xác định hai năm một lần, vào các năm chẵn.
Cho đến nay đã có 6 lần xếp hạng LPI trong các năm 2007, 2010, 2012, 2014, 2016 và 2018. Chỉ số LPI bình quân của Việt Nam qua 4 lần xếp hạng gần nhất đứng thứ 45 thế giới. Năm 2018, 5 nước có chỉ số LPI cao nhất là Đức, Thụy Điển, Bỉ, Áo và Nhật Bản. Việt Nam xếp thứ 39/160 nước tham gia khảo sát, tăng 25 bậc so với năm 2016 (64/160). Trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hai nước là Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 32). Một số nước khác đáng quan tâm là Hoa Kỳ (thứ 14), Australia (thứ 18), Hàn Quốc (thứ 25), Trung Quốc (thứ 26), Malaysia (thứ 41), Ấn Độ (thứ 44), Indonesia (thứ 46), Nga (thứ 75).
Được biết, khảo sát về LPI được WB tiến hành trực tuyến bằng bảng hỏi, trong khoảng thời gian từ khoảng tháng 9 năm trước đến tháng 02 năm sau.
Đối tượng tham gia khảo sát đối với LPI quốc tế là các chuyên gia logistics đến từ các công ty chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới: các hãng giao nhận vận tải đa quốc gia và các doanh nghiệp vận tải lớn, đại lý giao nhận và các công ty chuyển phát.
Đối với LPI trong nước, người đánh giá là các doanh nghiệp và chuyên gia của nước sở tại tự đánh giá về môi trường hoạt động logistics của nước mình.
Trong cuộc khảo sát về LPI năm 2018, số lượng người tham gia khảo sát là 869 người đến từ 108 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, 62 % đến từ các nước có thu nhập thấp (3%) hoặc thu nhập trung bình (59%).
Năm 2018, tổng cộng 6.000 đánh giá về các quốc gia đã được đưa ra bởi các chuyên gia logistics, chấm điểm 160 quốc gia trên thế giới đối với LPI quốc tế và 100 quốc gia đối với LPI trong nước.
Về nội dung và phương pháp tính toán LPI, Ngân hàng Thế giới bắt đầu bằng việc đo lường thời gian và chi phí liên quan đến các quy trình logistics như quá trình xử lý tại cảng, thủ tục hải quan, vận chuyển và các hoạt động liên quan. Đây là các thông tin có thể định lượng được và thường là đã được thu thập trước đó.
Tuy nhiên, do cấu trúc của chuỗi cung ứng ở mỗi quốc gia có sự khác biệt, việc tổng hợp các thông tin trên thành một hệ cơ sở dữ liệu thống nhất và phù hợp giữa các nước là rất khó khăn. Bên cạnh đó, rất nhiều yếu tố quan trọng của logistics (như tính minh bạch của quy trình, chất lượng dịch vụ, khả năng dự đoán và mức độ tin cậy) không thể đánh giá bằng cách chỉ sử dụng số liệu về thời gian và chi phí.
Mặc dù chỉ là chỉ số do một tổ chức đưa ra, nhưng cho đến nay LPI của Ngân hàng Thế giới được đông đảo các nước thừa nhận như một chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics mỗi nước. LPI đã được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia thương mại, các nhà nghiên cứu sử dụng trong việc đánh giá và so sánh sự phát triển logistics. Qua đó, LPI cho phép các chính phủ, các doanh nghiệp và các bên có liên quan đánh giá lợi thế cạnh tranh tạo ra từ hoạt động logistics và có biện pháp để cải thiện logistics - mạch máu của kinh tế toàn cầu.
Việc đưa ra kế hoạch nâng cao LPI và tài liệu hướng dẫn về chỉ số LPI cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh dịch vụ logistics nói riêng.
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam, với Quyết định số 708/QĐ-BCT ngày 26 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Thu Hà