• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Chỉ thành công khi người dân hưởng ứng

(Chinhphu.vn) - Tỷ lệ truy cập, sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) tại địa chỉ dichvucong.gov.vn của người dân, doanh nghiệp càng cao càng chứng tỏ sự thành công của Cổng DVCQG. Chúng ta chỉ thành công khi người dân, doanh nghiệp đánh giá Cổng DVCQG mang lại lợi ích thiết thực cho họ.

08/12/2019 11:16
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày mai (9/12/2019), Cổng DVCQG sẽ chính thức được khai trương. Trước ngày Cổng DVCQG vận hành chính thức, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có những chia sẻ với báo chí về quá trình xây dựng và triển khai Cổng DVCQG.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

- Thưa Bộ trưởng, để có thể khai trương vào cuối năm nay, với vai trò là đơn vị chủ trì, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và các cơ quan liên quan đã triển khai xây dựng Cổng DVCQG như thế nào thưa ông?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: Trong những năm gần đây, công tác cải cách TTHC luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Trong đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử mà trọng tâm là xây dựng Cổng DVCQG có thể nói là bước đi rất quan trọng trong cải cách hành chính khi kết nối các dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương lên một địa chỉ duy nhất là Cổng DVCQG. Đây cũng là việc làm thể hiện tinh thần Chính phủ lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Cổng DVCQG (tháng 3/2019), trong 9 tháng qua với trách nhiệm được giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho công tác khai trương Cổng DVCQG.

Cùng với VPCP, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu TTHC; nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước; xây dựng, triển khai Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng DVCQG...

Có thể nói việc xây dựng Cổng DVCQG là vấn đề cực kỳ khó khăn bởi khi chúng ta triển khai Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia của chúng ta chưa được hoàn chỉnh, thiếu thể chế, thiếu nền tảng dữ liệu, thiếu nền tảng hạ tầng…, chúng ta mới chỉ có dữ liệu liên quan đến bảo hiểm, doanh nghiệp, mã số thuế, việc kết nối dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế... Tuy nhiên quá trình triển khai đến nay, VPCP, các cơ quan liên quan, các chuyên gia đã rất nỗ lực để chuẩn bị khai trương.

Thời điểm khai trương, Cổng DVCQG sẽ cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, TP: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Cùng với đó, cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp;

Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TP Hồ Chí Minh là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng là đăng ký khai sinh….

Việc đưa các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG sẽ thực hiện theo lộ trình, ưu tiên chọn thủ tục, dịch vụ thiết yếu với người dân, doanh nghiệp để cung cấp trước.

Tiết kiệm 4.222 nghìn tỷ đồng/năm

- Cổng DVCQG hoạt động sẽ đem lại tiện ích như thế nào đối với người dân và doanh nghiệp và với các cơ quan hành chính Nhà nước, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: Tôi muốn nhấn mạnh lại việc triển khai Cổng DVCQG là một nhiệm vụ lớn trong triển khai Chính phủ điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn.

Mục tiêu Cổng DVCQG là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó đưa các dịch vụ công từ các Bộ, ngành tích hợp lên Cổng DVCQG với tinh thần tạo ra sự minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Khi vận hành, Cổng DVCQG sẽ trở thành hệ thống hoàn chỉnh quan trọng kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ.

Lợi ích mang lại của Cổng DVCQG là người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất để đăng nhập được đến tất cả các Cổng DVC cấp Bộ, cấp tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp sẽ không còn phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Ví dụ tôi là người sinh ra ở TP Hồ Chí Minh, tôi được Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cấp giấy phép lái xe; hiện tại đã đến thời điểm tôi cần đổi giấy phép lái xe nhưng tôi lại đang sinh sống ở Hà Nội, tôi sẽ không phải quay lại TP Hồ Chí Minh mà truy cập Cổng DVCQG làm các thủ tục chọn Sở Giao thông vận tải Hà Nội là nơi cấp đổi giấy phép lái xe.

Hơn nữa, trong quá trình tiếp xúc với các cơ quan Nhà nước hoặc cán bộ thi hành công vụ, người dân có quyền phản ánh những vướng mắc, khó khăn trực tiếp trên Cổng DVCQG.

Vậy với cơ quan nhà nước sẽ được gì? Tôi khẳng định là được rất nhiều, trước hết là tạo ra kỷ luật kỷ cương trong thi hành công vụ. Thứ hai là tái cấu trúc lại quy trình thủ tục hành chính, quy trình xử lý công việc. Quan trọng hơn nữa là nâng cao trách nhiệm và chất lượng công việc của cán bộ khi thi hành công vụ. Từ đó giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện các quy định.

Thứ ba là sẽ rất tiết kiệm, tính sơ bộ tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện 8 nhóm dịch vụ công nêu trên là khoảng 4.222 tỷ đồng/năm. Trong đó, tổng chi phí tiết kiệm được do lợi ích từ vận hành Cổng DVCQD mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng.

- Thưa Bộ trưởng, vậy làm thế nào để người dân, doanh nghiệp đón nhận và sử dụng Cổng DVCQG một cách tiện lợi dễ dàng và nhiều người sử dụng nhất?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: Theo thói quen, người dân, doanh nghiệp muốn đến gặp trực tiếp gặp cán bộ thi hành công vụ tại cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện các TTHC. Đối với cán bộ thi hành công vụ cũng muốn trực tiếp gặp người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC. Nhưng với yêu cầu của xã hội điện tử, xã hội thông minh, Chính phủ kiến tạo hướng tới xã hội số, nền kinh tế số, chúng ta cần thay đổi, đó chính là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Để người dân, doanh nghiệp đón nhận và sử dụng, Cổng DVCQG phải tạo sự thân thiện, thuận tiện cho người sử dụng, nếu không tháo gỡ để việc giải quyết hồ sơ được nhanh hơn thì người dân, doanh nghiệp sẽ không sử dụng.

Tôi cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước phải tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, tạo ra những ứng dụng thân thiện, giản dị cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi nhất. Phải có hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu về Cổng DVCQG mang lại lợi ích cho người sử dụng.

Tôi cho rằng hiệu quả thành công của Cổng DVCQG phải là người dùng, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công ít thì chúng ta sẽ không thành công. Chúng ta chỉ thành công khi người dân, doanh nghiệp đánh giá Cổng DVCQG mang lại lợi ích thiết thực. Sự truy cập, sử dụng của người dân, doanh nghiệp càng cao bao nhiêu thì chứng tỏ sự thành công của Cổng DVCQG.

Đây cũng là thử thách rất lớn của các cơ quan khi triển khai xây dựng Cổng DVCQG, đặc biệt là VPCP khi nhận nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao.

- Vậy thưa Bộ trưởng, định hướng phát triển của Cổng DVCQG trong thời gian tới như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: Khai trương Cổng DVCQG mới là kết quả ban đầu ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan được giao triển khai nhiệm vụ, trong đó có sự đóng góp của các đơn vị về CNTT như Tập đoàn VNPT cùng sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở này, Cổng DVCQG sẽ sẽ hoàn thiện hơn về cơ sở dữ liệu, TTHC để mang lại những dịch vụ công trực tuyến tốt nhất, thân thiện nhất cho người dân doanh nghiệp.

Việc khai trương Cổng DVCQG là bước đi ban đầu, trong Quý I năm 2020, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Xây dựng Cổng DVCQG là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước. Quan trọng nhất, phải để người dân thấy lợi ích của Cổng DVCQG là thân thiện với người dùng, giảm thời gian và những chi phí khác.

Thời gian tới việc triển khai thành công của Cổng DVCQG phụ thuộc rất nhiều vào sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu, trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tổ chức giải quyết TTHC.

Gia Huy