Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện một số địa phương...
Giải pháp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ngày 9/12/2019, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Cổng DVCQG được chính thức khai trương đưa vào vận hành, đến nay vừa tròn 1 năm 20 ngày. Từ 8 dịch vụ công thời điểm khai trương, đến nay Cổng DVCQG đã cung cấp 2.700/6,790 thủ tục hành chính cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, với sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, Cổng DVCQG đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thể hiện Chính phủ phục vụ, lấy đối tượng là người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Hội nghị sơ kết được tổ chức nhằm đánh giá lại kết quả 1 năm vận hành của Cổng DVCQG và công bố dịch vụ công số 2.700. Từ đó làm cơ sở đề xuất các giải pháp triển khai Cổng DVCQG ở giai đoạn tiếp theo với yêu cầu đáp ứng mục tiêu cũng như mong đợi của người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh: "Việc vận hành Cổng DVCQG là một giải pháp tích cực vừa thúc đẩy phát triển kinh tế; tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp; cũng là giải pháp tích cực để phòng, chống dịch COVID-19".
Số lượng truy cập Cổng DVCQG đến ngày 24/12/2020 |
Tích hợp dịch vụ công vượt 9% so với chỉ tiêu Chính phủ giao
Đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 địa phương trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Đã có 84 bộ, ngành, cơ quan, địa phương tích hợp, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng DVCQG, trong đó có 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân đồng hành, xây dựng, phát triển Cổng DVCQG. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Cổng DVCQG đã đồng bộ trạng thái hơn 27,5 triệu hồ sơ, tăng gấp hơn 8 lần so với tháng 3/2020, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
Từ 8 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp tại thời điểm khai trương (ngày 09/12/2019), đến nay, số thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là 2.700, đạt 39% so với tổng số thủ tục hành chính của cả nước.
Đồng thời, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ kịp thời tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên Cổng DVCQG.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trao bằng khen cho các cá nhân có đóng góp trong xây dựng Cổng DVCQG. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Ngày 21/12/2020, Cổng DVCQG đã hoàn thành kết nối, tích hợp với Tòa án nhân dân Tối cao để cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến của ngành Tòa án trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia như: Tra cứu bản án, quyết định của Tòa án; nộp đơn khởi kiện; đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng; đăng ký cấp bản sao, tài liệu trong hồ sơ vụ án…
Đến nay, số dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia vượt 9% so với chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020, tăng gấp 14,8 lần so với tháng 3/2020.
Đồng hành, xây dựng, phát triển Cổng DVCQG. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG từ khi khai trương đến nay là khoảng 7.995 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG đã cho phép các bộ, ngành, địa phương linh hoạt cung cấp dịch vụ, có thể thanh toán trực tuyến với tất cả các thủ tục hành chính, kể cả các thủ tục chưa cung cấp trực tuyến (các hồ sơ thủ tục được tiếp nhận trực tiếp hoặc qua bưu chính).
Sau hơn 9 tháng triển khai, hiện nay, Cổng DVCQG đã có 54/63 địa phương (85,6%), 14 bộ, ngành, cơ quan (67,7%) hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia và đang tiếp tục triển khai với các bộ, ngành, địa phương khác.
Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG có sự tăng trưởng cao, đến nay đã có trên 48.000 giao dịch thanh toán trực tuyến
Trải nghiệm thực tế các dịch vụ công mới
Hội nghị chiều hôm nay cũng đánh dấu sự kiện công bố thêm 4 dịch vụ công mới tích hợp trên Cổng DVCQG: "Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân"; "cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng"; "cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ"; "kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu".
Chỉ tính riêng chi phí tiết kiệm tăng thêm do Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp khi tích hợp, cung cấp thêm 4 dịch vụ công mới giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm.
Tại hội nghị đã tthực hiện phần trải nghiệm thực tế để có thể thấy rõ nét hơn những lợi ích mà các dịch vụ công này mang lại cho người dân và doanh nghiệp, đánh giá thực tế về hiệu quả và lợi ích mà các dịch vụ công mới được đưa vào tính hợp trên Cổng DVCQG.
Tại đầu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc, anh Nguyễn Huy Việt là người nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất tiến hành thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng DVCQG thông qua ví điện tử VNPTPay và sử dụng tài khoản của Vietcombank.
Trong vòng chưa đến 5 phút, anh Nguyễn Huy Việt, đã thực hiện xong việc thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai cho hộ gia đình. Nếu so với quy trình thông thường thì để thực hiện thủ tục này, công dân sẽ phải qua các bước như: Đến cơ quan đất đai hoặc một cửa để nhận thông báo nghĩa vụ tài chính; tiếp đó đến Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng để nộp tiền; sau đó là đến cơ quan đất đai hoặc một cửa để nộp bổ sung chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính làm cơ sở để xem xét, thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận.
Anh Hoàng Văn Trung, đầu cầu Hà Nội, trải nghiệm dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu. Dịch vụ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để thực hiện khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Sau khi thực hiện dịch vụ công, các công dân trực tiếp trải nghiệm dịch vụ đều chia sẻ sự vui mừng vì có thể ngồi tại nhà làm thủ tục đăng ký trực tuyến một cách đơn giản vì có sự liên kết chia sẻ giữa các thông tin. Các công dân đều nêu ý kiến dịch vụ công này rất có ý nghĩa trong thời điểm dịch COVID-19 và cho biết sẽ chia sẻ cho nhiều người biết hơn nữa về dịch vụ công trên Cổng DVCQG.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu, đã diễn ra lễ ký kết đồng hành, xây dựng, phát triển Cổng DVCQG (trong đó có cam kết giảm, miễn phí các giao dịch thanh toán).
Sau 1 năm triển khai, đến 29/12/2020, Cổng DVCQG đã có hơn 417.000 tài khoản đăng ký; hơn 100,5 triệu lượt truy cập; hơn 27,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái lên cổng; hơn 744.800 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng DVCQG (cao điểm 1 ngày nhận 12.000 hồ sơ), tiếp nhận, xử lý hơn 9.700 phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 44.800 cuộc gọi tới Tổng đài. |
Gia Huy