Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các hãng hàng không trong thời gian mới đây coi trọng việc cải tiến đôi cánh máy bay. Về cấu hình, ở đầu mút cánh máy bay, hai dòng không khí ở trên và dưới cánh khi bay thường xảy ra xung đột, tạo ra các dòng xoáy, hay “búi xoắn rối”, sinh lực cản, làm giảm sức kéo, giảm lực nâng, tốn nhiên liệu.
Về lý thuyết, không thể kéo cánh dài quá mức cho phép. Các hãng gần đây đều chú tâm vào việc tạo sự cong, vểnh lên cho hai đầu mút cánh máy bay. Thậm chí gần như có thêm cánh nhỏ chẻ về hai phía chúc xuống, vểnh lên làm cho cánh “dài ra mà không dài” (dài về kích thước mà không dài về bề ngang). Điều này đã triệt tiêu “búi xoắn rối”, tăng lực nâng, giảm nhiên liệu, hiệu suất chuyên chở tăng lên.
A-350 cũng không bỏ qua cải tiến mới này, nhìn máy bay mới thử nghiệm thấy rõ độ “vút” cong lên của đôi cánh mới, ứng dụng cho A-350.
Ông Jim Albaugh – vị chủ tịch kiêm giám đốc điều hành một hãng hàng không cho biết, đầu mút cánh thiết kế theo công nghệ mới này có thể tiết kiệm nhiên liệu tới 5,5%.
Thực tế hãng Boeing cũng đã nhanh chân cải tiến cấu hình cánh cho máy bay B-737 MAX cải thiện 18% nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi ghế so với loại tàu bay A-320, (cùng thời với Boeing 737).
Vật liệu mới, công ngệ mới
Với hãng Airbus, họ đã tuân thủ tối ưu cho các tiêu thức chính là động lực mạnh mẽ, độ bền và đảm bảo đơn giản trong sử dụng, bảo trì.
Điều đầu tiên, A-350 được trang bị các động cơ Rolls-Royce Trent XWB, sử dụng ít hơn 25% nhiên liệu so với các máy bay thân rộng thế hệ trước đó.
Lần đầu tiên máy bay A-350 được sản xuất với 70% vật liệu trên thân, cánh làm chủ yếu bằng composite carbon. Vật liệu ti tan cũng được sử dụng trên các bộ phận tăng độ bền, cứng, chịu tải…Điều này không chỉ giảm trọng lượng máy bay mà còn giảm 60% chi phí bảo trì, kiểm tra độ bền so với vật liệu nhôm truyền thống.
Ngoài ra, hệ thống thủy lực A-350 XWB hoạt động ở mức áp suất cao hơn 5.000 psi, so với các máy bay cũ. Áp suất điều khiển tăng, làm giảm kích thước của đường ống, giảm thiết bị truyền động và các thành phần khác, như thế sẽ cải thiện độ tin cậy và bảo trì, cũng như giảm trọng lượng và tiết kiệm chi phí.
Các ứng dụng của máy phát điện biến tần, cung cấp nhiều năng lượng hơn nhưng trọng lượng nhẹ và chi phí bảo dưỡng thấp cũng là ưu thế của A-350.
Ngoài ra, máy tính của máy bay A-350 sẽ điều khiển tạo ra sự biến đổi cả về diện tích và cấu hình của cánh cho mỗi loại hình bay như cất cánh, hạ cánh, bay bằng, tăng hiệu quả lực nâng. Như việc thả cánh tà rộng hơn, sử dụng các tấm khí động hợp lý đã tăng hiệu quả trong mỗi loại hình bay.
Việc sử dụng hai mạch điều khiển thủy lực trên A-350 (thay vì ba trên máy bay khác), với dự phòng từ hệ thống sao lưu điện-thủy lực kênh đôi, cũng làm máy bay nhẹ hơn, tin cậy hơn.
Boeing 787 mới đưa vào kinh doanh là đối thủ năng ký nhất của A-350 XWB. Đáng tiếc, sự cố cháy pin, phải dừng bay đầu năm nay, khiến Boeing 787 gây sự lo ngại về an toàn.
Kết quả tổng thể, A-350 có lợi thế 25% so với máy bay Boeing 777 (cất cánh cách đây hơn 10 năm) và lợi thế 8% so với Boeing 787 (cất cánh cách đây khoảng 1 năm) về hiệu quả nhiên liệu.
Trong thập kỷ tới, hai dòng máy bay Boeing và Airbus cùng giành giật, cạnh tranh nhau thị trường tiên đoán trước khoảng trị giá 2 nghìn tỉ USD.
Trong tháng 6, số liệu từ hội chợ hàng không tại Pháp cho thấy, có hàng trăm đơn đặt từ 34 khách hàng đã được chọn cho máy bay A- 350.
Trần Danh Bảng