Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời gian qua, định danh hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên. Trong đó, phương pháp giám định bằng ADN được coi là cốt lõi, nhất là với hài cốt thiếu thông tin, không thể định danh bằng phương pháp thực chứng.
Giai đoạn 2000-2003, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã nghiên cứu các kỹ thuật tách ADN từ mẫu hài cốt và mẫu lưu bảo tàng cho mục đích phân tích gene.
Các kết quả giám định ADN tại Viện Hàn lâm KH&CN là căn cứ khoa học để Chính phủ quyết định đưa công nghệ giám định ADN trở thành một phương pháp khoa học, tin cậy đối với việc định danh hài cốt liệt sĩ chưa biết thông tin.
GS. TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cho biết, năm 2019, Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chính thức khai trương và đi vào hoạt động, đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đánh dấu việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ ADN trong giám định hài cốt tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trung tâm Giám định ADN là một trong 3 đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh các mẫu hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin. Thời điểm sơ khai, mỗi tháng đơn vị chỉ chạy được vài mẫu. Đến nay, công suất giám định mỗi năm của Trung tâm đạt mức 4.000 mẫu và có thể nâng lên con số 7.000 mẫu hài cốt liệt sĩ.
Tuy nhiên, cả nước còn gần 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được và gần 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được danh tính.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đặt ra mục tiêu phấn đấu tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giám định ADN và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu gen…
Quá trình giám định ADN hài cốt hiện đang gặp phải nhiều thách thức lớn như các mẫu hài cốt bị phân hủy cao do thời gian chiến tranh kết thúc đã lâu, nhiều trường hợp thiếu các thông tin thực chứng bổ sung, do đó rất cần phải có một quy trình công nghệ giám định ADN mới có độ tin cậy và hiệu quả cao để thay thế quy trình công nghệ hiện đang sử dụng.
PGS.TS.Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, trước nay, các đơn vị sử dụng công nghệ giám định ADN cho mẫu hài cốt liệt sĩ dựa trên phân tích ADN ty thể.
Mặc dù phương pháp này đã hỗ trợ nhiều kết luận xác định danh tính nhưng quá trình giám định ADN hài cốt gặp không ít thách thức khi số lượng mẫu lớn và chất lượng mẫu giảm. Tính hiệu quả của các phương pháp tách chiết ADN này đối với những mẫu phân huỷ mạnh ngày càng giảm. Do đó, dịch tách ADN thu được có thể không đủ về lượng và chất để sử dụng cho phản ứng giải trình tự gen.
Bên cạnh đó, ADN ty thể có khả năng phân biệt cá thể thấp do xác suất trùng hợp ngẫu nhiên của hồ sơ ADN ty thể trong quần thể cao, vì vậy dữ liệu ADN ty thể không thể được sử dụng độc lập mà cần kết hợp các bằng chứng khác trước khi đưa ra kết luận định danh.
Hiện nay, với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại bằng máy giải trình tự gen thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, thế giới đã áp dụng công nghệ giám định ADN mới, gọi là phân tích theo gene nhân.
Tiếp cận theo hướng này, Viện Công nghệ Sinh học đã triển khai các nhiệm vụ như giải trình tự thế hệ gen tham chiếu người Việt, làm cơ sở thông tin tham chiếu, phục vụ cho công tác giám định ADN xương cổ và ADN người Việt.
Viện đã ứng dụng công nghệ mới này, phối hợp Viện Khảo cổ học xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại vài trăm năm đến hàng nghìn năm. Đây chính là cơ sở tiếp tục phát triển giám định mẫu ADN xương cổ hài cốt liệt sĩ thông thường có thời gian chôn lấp từ 40-80 năm.
Theo PGS.TS.Phí Quyết Tiến, hướng nghiên cứu này đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTB&XH, Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo sát sao của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Tháng 3 vừa qua, dự án ODA về nâng cao năng lực giám định ADN hài cốt liệt sĩ đã được phê duyệt, mở ra những bước tiến mới với kỳ vọng tăng hiệu quả của công tác giám định.
Theo đó, Trung tâm Giám định ADN và Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích (ICMP) phối hợp phát triển và tối ưu các công nghệ phân tích ADN mới bao gồm công nghệ tách chiết ADN nhân, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới phát hiện và phân tích các chỉ thị SNP (đa hình đơn nucleotide).
Để triển khai dự án này, Viện Công nghệ sinh học đã cử đoàn công tác mang 100 mẫu hài cốt liệt sĩ sang Hà Lan triển khai tách chiết ADN nhân và thực hiện giám định bằng công nghệ mới. Cùng với đó, chuyên gia Hà Lan cũng sang Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hai bên đang triển khai.
Kết quả ban đầu cho thấy, với các kỹ năng về chuyên môn và khả năng tiếp cận với trình độ KHCN hiện nay, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Sinh học có thể làm chủ công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới để nâng cao công suất và hiệu quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ.
Trong giai đoạn tới, Trung tâm Giám định ADN sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất trên cơ sở tiếp nhận máy giải trình thế hệ mới trong khuôn khổ dự án được tài trợ cho Việt Nam. Đồng thời cải tiến, ứng dụng công nghệ mới vào công tác giám định, nghiên cứu tối ưu thử nghiệm các phương pháp khác nhau trên nền tảng nội lực của cán bộ và tiếp thu công nghệ từ Ủy ban Quốc tế về Người mất tích.
Bên cạnh đó, Viện cũng tăng cường hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, gửi cán bộ sang Hà Lan tiếp nhận công nghệ, tham gia công tác giám định từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để học hỏi, hoàn thiện công nghệ.
Theo Trung tâm Giám định ADN, từ 2019 đến nay, Trung tâm đã thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỉ lệ tách thành công đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công, Bộ LĐTB&XH.
Hoàng Giang