Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cuộc cách mạng công nghiệp điện tử tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2010 xuất phát từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, do đối mặt với tổng cầu yếu và áp lực chi phí, nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu tìm các địa điểm sản xuất mới với chi phí rẻ hơn.
Thứ hai, do cạnh tranh tăng lên, nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng càng trở nên bức thiết. Các chính sách thu hút FDI hiệu quả của Việt Nam, kết hợp với đồng nội tệ giảm và nguồn lao động giá rẻ đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử.
BDS nhận định, sự vươn lên của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam một phần nhờ sự dịch chuyển mang tính cấu trúc trong mạng lưới cung cấp khu vực. Khi tiền lương và chi phí lao động tại các quốc gia khác tăng lên, cơ hội sẽ mở ra cho những “tay chơi mới” có chi phí sản xuất thấp hơn như Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Nhiều nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, LG, Panasonic… đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới thay cho Trung Quốc. DBS đánh giá, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai.
So với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế. Chỉ tính riêng năm 2014, khi 8 nền kinh tế châu Á xuất khẩu khoảng 1.000 tỷ USD kim ngạch hàng điện tử thì Việt Nam chiếm 3,5%; tăng so với con số khiêm tốn 0,4% năm 2010.
“Việt Nam đã vượt Philippines và Thái Lan và chuẩn bị soán ngôi Singapore trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ 5 khu vực châu Á trong 2 năm tới” – báo cáo nhận định.
Công Trí