Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng cho biết, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia và cam kết.
Với quyết tâm tháo gỡ nút thắt cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, cũng như thực hiện có hiệu quả các cam kết tại FTA mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể, về chính sách thuế nhập khẩu, theo Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô: Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về sản lượng tối thiểu và các điều kiện khác (về linh kiện, mẫu xe, tiêu chuẩn khí thải, kỳ xét ưu đãi, hồ sơ, thủ tục) thì được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Chương trình ưu đãi thuế quan này được áp dụng trong 5 năm (từ năm 2018 đến hết 2022), tiếp đó được Chính phủ gia hạn đến năm 2027. Đồng thời, có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô nội địa như thuế linh kiện, giảm lệ phí trước bạ...
Về phía ngành Hải quan, cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, vật tư để sản xuất, lắp ráp xe ô tô và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô..., tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bà Trương Bình An, Phó Cục trưởng, Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết: Trong quá trình triển khai có những vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách thuế, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động rà soát, báo cáo Tổng cục Hải quan vướng mắc đồng thời đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết (các tờ khai đăng ký trước ngày 1/10/2022, trường hợp kiểm tra xác định hồ sơ đáp ứng điều kiện áp dụng Chương trình ưu đãi thuế, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng thực hiện áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0% của nhóm 98.49 đối với linh kiện ô tô nhập khẩu và xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định).
Mặt khác, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cũng chủ động rà soát về việc chưa thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành có liên quan ban hành, báo cáo Tổng cục Hải quan để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Ví dụ, mã số HS tại Danh Mục linh kiện, phụ tùng xe ô tô trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành chưa thống nhất với mã HS tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành hoặc mô tả hàng hóa không phù hợp với mã số HS nêu tại Danh mục linh kiện, phụ tùng xe ô tô trong nước đã sản xuất.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết - Trưởng tiểu ban Hải quan VAMA - cho biết, Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, có nhiều FTA cam kết về ô tô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu của xe ô tô nguyên chiếc về 0%.
Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ô tô đã giảm về 0% từ năm 2018. UK/EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh, Việt Nam - châu Âu) sẽ đưa về mức 0% từ năm 2028. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về 0% từ 2027.
Thực tế ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu.
"Các nhà sản xuất ô tô đều mong chờ một giải pháp cú hích cho ngành công nghiệp này", bà Nguyễn Ánh Tuyết nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng, TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA và được thế giới công nhận là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường.
Cụ thể, đối với các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang áp thuế 0% đến hết năm 2027 đối với các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong quan hệ với Hàn Quốc, theo Nghị định số 125/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều mặt hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được áp thuế suất 0% kể từ năm 2022.
Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm dần từ năm 2022 đến năm 2027...
"Với nhiều sự thay đổi đòi hỏi chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô trong nước cũng cần thay đổi triệt để mới có thể theo kịp các quốc gia trong khu vực", ông Lê Huy Khôi nhận định.
Để phát triển công nghiệp ô tô, TS Lê Huy Khôi cho rằng: Cần nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) bảo đảm khả thi và ổn định lâu đài, phù hợp với các cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế.
Rà soát, điều chỉnh chính sách cho vay dài hạn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với lãi suất phù hợp theo từng thời kỳ đối với những dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành ô tô. Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan nhằm đạt những mục tiêu phát triển của công nghiệp ô tô, đặc biệt đối với những dự án đầu tư sản xuất xe thân thiện môi trường. Bên cạnh đó có các chính sách ưu đãi ưu đãi để khuyến khích sử dụng xe điện hóa tại Việt Nam như thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi áp dụng cho từng dòng xe điện (HEV, PHEV, BEV, FCEV) căn cứ vào mức phát thải CO2. Đồng thời giảm lệ phí trước bạ cho tất cả các dòng xe điện hóa...
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Dương Bá Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho rằng, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.
Việc xây dựng các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng (bao gồm chính sách tài chính, chính sách đầu tư, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng...).
"Một số chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước đang trong quá trình thực hiện và sẽ kéo dài đến hết năm 2027. Cơ quan chức năng cũng cần tổng kết, đánh giá, điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước trước làn sóng ô tô ngoại ồ ạt vào Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách nào cũng có hai mặt, đuọc cái này mất cái kia, do đó phải xin ý kiến đầy đủ, ngoài việc ủng hộ DN, vẫn phải nhìn dưới phương diện lợi ích người tiêu dùng, xã hội, bảo đảm tính đa chiều trong quá trình hoạch định chính sách", ông Dương Bá Hải nói.
Anh Minh