Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP - Ảnh: Hoàng Giang |
Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ.
Ông có thể chia sẻ bối cảnh ra đời cũng như một số kỷ niệm về Cổng TTĐT Chính phủ, trước đó là Trang tin điện tử Chính phủ?
Nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản: 15 năm xây dựng và phát triển Cổng TTĐT Chính phủ (trước đây là Trang tin điện tử Chính phủ), với tôi có rất nhiều kỷ niệm gắn bó. Trước đây Cổng TTĐT Chính phủ gọi là Trang tin điện tử Chính phủ.
Lúc đó, lãnh đạo VPCP đã sớm ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Chính phủ. Đây cũng là xu thế chung của thế giới còn đối với Việt Nam là rất cấp thiết.
Khi ấy tôi giữ chức Phó Chủ nhiệm VPCP được giao phụ trách lĩnh vực thông tin-báo chí. Ngay từ năm 1999, lãnh đạo VPCP đã giao cho anh em ở Trung tâm Thông tin-báo chí cùng với một số chuyên gia nghiên cứu xây dựng Đề án về Trang tin điện tử của Chính phủ.
Lúc đó, việc xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ còn khá mới mẻ, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm; hơn nữa nội dung và đặc điểm xây dựng một Trang thông tin điện tử của Chính phủ khác nhiều so với Trang thông tin của một cơ quan cụ thể. Vì thế yêu cầu đặt ra là phải xây dựng một đề án có những bước đi rất cụ thể. Việc xây dựng đề án mất hơn 4 năm, có cả tham khảo kinh nghiệm quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản… Đến cuối năm 2003, Thủ tướng Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký quyết định xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ.
Vậy quá trình triển khai Trang tin điện tử của Chính phủ có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Ông Trần Quốc Toản: Thuận lợi là vào thời điểm đó, xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trở thành một yêu cầu bức thiết và cũng có những kinh nghiệm quốc tế để chúng ta nghiên cứu, học tập. Trong nước, một số cơ quan, đơn vị cũng đã xây dựng trang thông tin riêng.
Một thuận lợi nữa đó là sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành; quyết tâm của lãnh đạo VPCP và các anh em phụ trách chuyên môn để xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ.
Khó khăn là chúng ta chưa có kinh nghiệm, hiểu biết nhiều về công nghệ, về các mô hình Trang tin điện tử Chính phủ, kể cả các vấn đề liên quan đến nội dung, giao diện, thiết kế… Đặc biệt vấn đề rất lớn là phải bảo đảm được kỹ thuật, vấn đề bảo mật, chống lại được hacker… Đó là những yêu cầu rất khác biệt so với các trang thông tin khác.
Việc nghiên cứu đề án phải giải quyết các bài toán đó, nghiên cứu cả cấu trúc phần cứng và phần mềm, không chỉ là vấn đề trước mắt mà là cả một lộ trình để phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.
Thời gian nghiên cứu đề án kéo dài hơn 4 năm, với một sự thận trọng cần thiết. Lúc đầu cũng có ý kiến là nên dựa vào sự giúp đỡ của một nước nào đó nhưng sau khi tính toán, cân nhắc mọi mặt, lãnh đạo VPCP trình Thủ tướng Chính phủ cho tự chủ xây dựng Trang tin điên tử Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ, do Bộ trường, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là trưởng ban, 10 thứ trưởng của các bộ, ngành liên quan là thành viên. Tôi được giao làm Phó Trưởng ban thường trực, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ.
Ban quản lý Dự án xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ được quyết định thành lập. Sau mấy tháng chuẩn bị, giữa năm 2004 việc xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ được bắt đầu triền khai. Đồng thời, để chuẩn bị về mặt nội dung, lãnh đạo VPCP đã quyết định thành lập Ban biên tập Trang tin điện tử Chính phủ. Với cách chỉ đạo và tổ chức triển khai một Dự án đầu tư công của Chính phủ như vậy, vừa đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, không để xảy ra sai sót, vừa đẩy nhanh được tiến độ xây dựng. Với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực cao của các cơ quan chuyên môn và đội ngũ chuyên gia tham gia, sau 18 tháng xây dựng, ngày 10/1/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tuyên bố khai trương và ấn nút kết nối Trang tin điện tử Chính phủ với mạng Internet. Đó là ngày xúc động và rất đáng nhớ của những người trực tiếp tham gia xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ, của Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh việc phải bảo đảm an toàn thông tin thì công tác thông tin, tuyên truyền trên Trang tin điện tử Chính phủ đặt ra yêu cầu như thế nào trong bối cảnh lúc đó đã có một số báo điện tử phát triển?
Ông Trần Quốc Toản: : Khi xây dựng đề án Trang tin điện tử Chính phủ đã phải cân nhắc rất nhiều đến vấn đề này; phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong mỗi giai đoạn để xây dựng nội dung Trang tin.
Đã dự kiến lộ trình, giai đoạn 1: Mục tiêu là xây dựng Trang tin điện tử với 3 chức năng: Thiết lập Cơ sở dữ liệu nguồn; trở thành phương tiện truyền tải thông tin kịp thời về chủ trương, chính sách, hoạt động nhiều mặt của Chính phủ; thiết lập mạng giao lưu trực tuyến giữa Chính phủ, các thành viên Chính phủ với lãnh đạo chính quyền các tỉnh, phành phố, với nhân dân và các doanh nghiệp.
Giai đoạn tiếp theo: Mục tiêu là liên kết các thông tin, hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành và địa phương, tích hợp vào Cổng thông tin của Chính phủ, hướng đến mở rộng, hoàn thiện các hoạt động dịch vụ công, trên Cổng Thông tin Chính phủ. Đó cũng là những bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.
15 năm qua, Cổng TTĐT Chính phủ đã có bước phát triển toàn diện cả về mặt công nghệ kỹ thuật, nội dung, cơ cấu tổ chức, thực hiện chức năng nhiệm vụ càng ngày càng mở rộng, đúng như lộ trình đã đặt ra; phục vụ ngày càng tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, gần dân hơn, sát dân hơn; kết nối hiệu quả quan hệ quốc tế. Điều này được thể hiện rõ nét trong năm 2020 khi Chính phủ chỉ đạo công tác phòng chống đại dịch COVID-19, khi Việt Nam thực hiện rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-202, trong bối cảnh tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Điều đó thể hiện sự nỗ lực vươn lên, trưởng thành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Cổng TTĐT Chính phủ, cho thấy bước phát triển mới và hiệu quả của Cổng TTĐT Chính phủ.
Ông có nhắn nhủ gì với cán bộ, công chức, viên chức của Cổng TTĐT Chính phủ để cơ quan có những bước phát triển hơn nữa trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0?
Ông Trần Quốc Toản: Nhìn lại quá trình đã qua của Cổng TTĐT Chính phủ, nhìn vào trước mắt và tương lai xa hơn, tôi hoàn toàn tin tưởng Cổng TTĐT Chính phủ sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, phục vụ ngày càng tôt hơn, hiệu quả hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những cơ hội và thách thức lớn cho cả thế giới và Việt Nam. Thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử đã có những bước tiến rất quan trọng. Nhưng khi đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số, đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, thì phải bước lên nấc thang cao hơn là phải xây dựng được Chính phủ số. Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số kết nối hữu cơ với nhau trở thành một chỉnh thể phát triển; Chính phủ vừa là chủ thể quản lý nhà nước, vừa là đối tác phát triển, tạo môi trường thể chế và động lực phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc. Đây là một cơ hội, đòi hỏi và thách thức đặt ra cho Cổng TTĐT Chính phủ trong giai đoạn mới. Đòi hỏi Cổng TTĐT Chính phủ phải có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt để đáp ứng có hiệu quả yêu cầu xây dựng Chính phủ số, thể hiện ở tính kịp thời, tính hiệu lực, hiệu quả, tính mở, tính bao trùm, tính liên kết… của Chính phủ với nền kinh tế số và xã hội số.
Đây là nhiệm vụ rất hệ trọng, không dễ dàng, nhưng rất vẻ vang. Tôi tin là với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo VPCP, và với truyên thống tốt đẹp và sự trưởng thành của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, Cổng TTĐT sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hoàng Giang – Mai Tú (thực hiện)