Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Trong lịch sử, Hà Nội từ xưa tới nay chưa bao giờ được gọi là Tràng An cả. Ta đã từng quen với khá nhiều tên gọi từ lâu lắm: Thăng Long, Đại La, Đông Quan, Đông Kinh, Đông Đô... hay nôm na là Kẻ Chợ. Cái tên Hà Nội bắt đầu được dùng từ thời nhà Nguyễn (do Minh Mạng đặt vào năm 1831). Tuy nhiên, trong câu ca trên thì Tràng An đích thị là chỉ Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến của Người Việt - chứ không chỉ bất cứ một nơi nào khác.
Dân gian ta có điều gì nhầm lẫn ở đây chăng?
Không, dân gian ta đâu có nhầm. Nhưng cái tên Tràng An kia đúng là đậm chất dân gian thật.
Tràng An là một “mĩ từ” có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Số là Tràng An vốn là kinh đô của Trung Hoa thời nhà Đường, kéo dài suốt 4 thế kỉ (từ năm 608 - 907). Hồi đó, Tràng An thật rộng lớn, bề thế, sầm uất và là một trong những kinh đô thịnh vượng, mang dấu ấn văn hoá Hán nhất. Người Trung Hoa sau này có ấn tượng về sự phồn thịnh của kinh đô ấy tới mức là đã “cấp” cho địa danh này một nghĩa mới: Cứ nói đến Tràng An tức là nói tới kinh đô.
Nước ta ảnh hưởng khá nhiều bởi các điển tích Trung Quốc và cách sử dụng từ Tràng An cũng dần dần được người Việt dùng để chỉ Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, vốn là kinh đô của nước Việt bao đời nay. Song, cũng phải nói thêm rằng, chúng ta đã Việt hoá và cấp cho Tràng An (đất Tràng An, phong tục Tràng An, người Tràng An…) những nghĩa mới, mang hàm ý sâu xa. Dấu tích kia còn ẩn tàng nhiều trong các di chỉ lịch sử. Nhưng rõ nhất phải nói đến sự xuất hiện của nó trong một câu ca dao cổ mà ta đang xét.
Cắt nghĩa chữ “lịch”
Câu ca dao trên được xây dựng trên 2 cấu trúc song hành: Chẳng A cũng thể B (Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An). Cũng có biến thể khác chép câu thứ 2 là: Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An (bây giờ đa số mọi người dẫn câu này). Mặc dù ngữ nghĩa của chúng như nhau, nhưng cấu trúc trên hợp lí hơn vì có sử dụng phép lặp cú pháp để đạt tới một hướng suy luận tương đồng.
Hoa lài thì ta đã biết rồi. Lài (nhài) là một loại cây nhỡ, lá hình bầu dục, hoa màu trắng mọc thành cụm, nở về đêm, có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng và quyến rũ. Có lẽ từ phẩm chất này mà dân gian đã “chuyển di” sang để so sánh một nét đẹp của người Hà Nội (Tràng An). Đó là một sự liên tưởng độc đáo.
Vấn đề là chữ lịch kia cần phải hiểu thế nào cho phải?
Chiết tự Hán - Việt, riêng thành tố lịch chỉ có nghĩa là “từng trải, trải qua”. Nhưng lịch ở đây (thanh lịch) phải được hiểu là một thành tố trong một loạt các kết hợp khác. Lịch lãm là tính từ chỉ ai đó “có hiểu biết rộng, do được đi nhiều, xem nhiều”. Lịch duyệt tức là “có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về xử thế do đã từng trải”. Lịch sự tức là “có thái độ nhã nhặn, lễ độ khi tiếp xúc, ứng xử”.
Nhưng có lẽ, lịch trong câu ca dao trên nằm trong tổ hợp thanh lịch. Mà chỉ riêng từ thanh lịch (hai âm tiết) đã bao hàm khá nhiều nét nghĩa. Thanh, nghĩa Hán Việt có thể là “sắc xanh”, hay “trong sạch”, hay “giọng nói”, hay “danh tiếng” (thanh danh). Thanh lịch có nghĩa là “thanh nhã và lịch sự”, một phẩm chất đáng quý của con người.
Nhưng người thanh lịch không chỉ có cử chỉ tao nhã và lịch sự mà phải là một người có hiểu biết sâu sắc, có cách ứng xử đúng mực, duyên dáng, đáng yêu. Một cô gái được coi là thanh lịch phải là một cô gái có ngoại hình yêu kiều, duyên dáng. Điều đó hẳn rồi. Tuy nhiên, quan trọng hơn, “nàng” phải là người biết ăn mặc (có năng lực thẩm mĩ về trang phục), biết trang điểm phù hợp và hơn thế, biết ứng xử hợp lẽ, biết nói năng từ tốn, duyên dáng, truyền cảm: Chim khôn tiếng hót rảnh rang/Người khôn ăn nói nhẹ nhàng, dễ nghe.
Vậy là, một người thanh lịch, phải hội đủ được các yếu tố nội dung và hình thức. Thật khó chấp nhận một ai đó được coi là thanh lịch mà lại có cử chỉ, điệu bộ “làm duyên làm dáng”, ứng xử điệu đà, ăn nói văn vẻ cầu kì làm mất đi vẻ hồn nhiên, trong sáng, chân thật. Một người thanh lịch cũng không thể là người cục cằn, thô lỗ “phàm phu tục tử” được. Thanh lịch là một phẩm chất rất đáng quý. Muốn vậy, chúng ta phải học hỏi, trau dồi sao cho cái hay, cái đẹp kia thấm sâu vào suy nghĩ, tâm hồn ta.
Người Hà Nội là cư dân thủ đô - là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước. Người Hà Nội có điều kiện để trang bị cho mình những tri thức chung của cộng đồng. Đó là một ưu thế. Nhưng dù có ưu thế đến mấy mà ta không chịu quan sát, tiếp thu thì ta cũng khó mà trở nên giỏi giang hay thanh lịch dưới mắt mọi người. Là cư dân Hà Nội “hộ khẩu thủ đô” có lẽ cũng chẳng khó lắm đâu. Nhưng trở thành một thành viên thực thụ, một người Hà Nội thanh lịch dễ mến thật không dễ dàng.
Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An. Hai câu thơ trên không chỉ ngợi ca mà còn có hàm ý nhắc nhở những ai được coi là người của thủ đô ngàn năm văn hiến đấy. “Chẳng gì các anh, các chị, các bạn, các em”… cũng đang là cư dân Hà Nội. Vậy người Hà Nội ta cần phải thể hiện như thế nào cho xứng với chữ “lịch” rất thiêng liêng và rất đẹp kia?”.
Câu ca dao như một lời nhắc nhở ta, kêu gọi ta xứng đáng với danh hiệu thiêng liêng và cao quý. Ai đó, là người Hà Nội, mỗi khi nghe đọc hai câu thơ này hẳn đều tự nhủ mình phải cố gắng vượt lên, để giữ đúng tư thế đáng trọng và đáng yêu của người con đất kinh kì (Thứ nhất kinh kì, thứ nhì phố Hiến). Người Tràng An - Hà Nội phải cố gắng sao cho xứng với lời thơ giản dị mà giờ đây, luôn văng vẳng bên tai, nhắc nhở chúng ta vươn tới.
Phạm Văn Tình