• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

CPI tăng bình quân 4,03% trong 5 tháng đầu năm

(Chinhphu.vn) - Giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng... là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, CPI tăng bình quân 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.

29/05/2024 11:29
CPI tăng bình quân 4,03% trong 5 tháng đầu năm- Ảnh 1.

Theo Báo cáo Kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, so với tháng trước, CPI tháng 5 tăng 0,05% (khu vực thành thị tăng 0,04%, khu vực nông thôn tăng 0,05%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,59%, tác động tăng 0,13 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; nhóm lương thực giảm 0,26%, góp phần giảm 0,01 điểm phần trăm.

Cũng trong tháng 5, chỉ số giá nhóm lương thực giảm 0,26% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm gạo giảm 0,32% (gạo tẻ thường giảm 0,38%, gạo nếp giảm 0,26%, gạo tẻ ngon giảm 0,11%). Giá gạo trong nước giảm theo giá gạo xuất khẩu và các địa phương đang thu hoạch vụ Đông Xuân nên nguồn cung gạo tăng.

Bên cạnh đó, chỉ số giá một số nhóm khác tăng, như: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng; may mặc, mũ nón và giày dép giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm đầu mùa Hè; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,38%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng, số ca nhiễm bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng tăng nhanh, nên người dân có nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch...

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 1,73%, góp phần giảm CPI chung 0,17 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng trong nước giảm 4,72%. Giá dầu diezen giảm 5,08% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,09% do các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại đối với một số loại điện thoại di động mẫu mã cũ, phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng.

Ngoài ra ,chỉ số giá nhóm giáo dục cũng giảm 0,25% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung 0,02 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,3%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

CPI tăng bình quân 4,03% trong 5 tháng đầu năm- Ảnh 2.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5/2024 tăng 4,44%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá.

Tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. 

Các yếu tố tạo nên mức này gồm có: Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023; chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,6%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

Mặt khác, yếu tố tác động giảm CPI 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước là nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Minh Ngọc