Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% vào năm 2035. |
Ngày 12/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% số đại biểu có mặt bấm nút tán thành.
Như vậy, Việt Nam là nước thứ bảy phê chuẩn Hiệp định này và thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực đã rất gần. Do đó, chúng ta cần tiến hành ngay những bước chuẩn bị kỹ lưỡng nhất nhằm tranh thủ cơ hội, hóa giải tốt những thách thức đặt ra cũng như thực hiện Hiệp định một cách hiệu quả.
Chia sẻ về CPTPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, người trực tiếp tham gia đoàn đàm phán của Việt Nam, cho biết: Tăng trưởng về lượng là quan trọng nhưng với CPTPP, kỳ vọng của Chính phủ đặt nặng hơn vào các thay đổi về chất. Ðây là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao cho nên tác động đến môi trường chính sách lớn hơn rất nhiều so với các FTA trước đây. Xét về tính chất thì tham gia CPTPP giống như gia nhập WTO lần thứ hai. Và nếu WTO đã đem lại những thay đổi về chất cho môi trường thể chế như thế nào thì CPTPP cũng sẽ đem lại những thay đổi lớn như vậy.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cũng cho rằng CPTPP có thể mang tới cho nền kinh tế Việt Nam bước ngoặt lớn, tương tự như thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007). CPTPP đang trở thành “động cơ đốt trong” góp phần nâng “chất” thủ tục hành chính Việt Nam, tạo động lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo đảm cho doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, xóa bỏ rào cản thị trường về dịch vụ và đầu tư.
Những cơ hội lớn
Các chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá, CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% vào năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Ngoài ra, việc có quan hệ thương mại tự do với các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Thêm vào đó, việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Với các FTA “truyền thống” trước đây, mức độ “mở cửa” của Việt Nam là khá thận trọng (trừ các cam kết với ASEAN). Tuy nhiên, với hai hiệp định thế hệ mới là FTA Việt Nam-EU và CPTPP, mức cam kết cắt giảm thuế lên gần như tối đa. Đặc biệt với CPTPP, mức cắt giảm lên tới gần 100%, tức gần như toàn bộ các dòng thuế đều sẽ về 0%.
Với CPTPP, 42,9% số dòng thuế đánh lên các mặt hàng dệt may Việt Nam nhập vào Canada sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Và đến năm thứ 4 thì 100% hàng dệt may Việt Nam bán cho Canada sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Nhật Bản thì cam kết xóa ngay 99% dòng thuế…
Tương tự, ở mặt hàng giày dép, 67% dòng thuế nhập khẩu được Canada xóa bỏ ngay lập tức, 12% còn lại sẽ được xóa vào năm thứ 7, còn lại sẽ cắt giảm vào năm thứ 12. Cũng tại CPTPP, Nhật Bản đã cam kết sẽ xóa 80% dòng thuế với hàng giày dép vào năm thứ 10…
Với hàng thủy sản, phần lớn các dòng thuế đánh lên hàng Việt nhập vào Canada và Nhật Bản sẽ được xóa bỏ ngay. Đáng chú ý, CPTPP mang lại mức độ mở cửa sâu hơn, ưu đãi lớn hơn cho thủy sản Việt Nam vào thị trường Nhật so với Hiệp định song phương Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) hiện nay.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, thường xuyên cập nhật
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hiệp định CPTPP sẽ mang lại những cơ hội quý giá, mà trước hết là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư, cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo đại biểu, chúng ta cũng kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ Hiệp định này. Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng mong đợi những tác động đáng kể về xã hội và phát triển bền vững mà Hiệp định này hứa hẹn mang lại. Việc thực hiện các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng và minh bạch hoá… dù đòi hỏi nhiều nỗ lực và chi phí tuân thủ, nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ “made in Việt Nam”.
CPTPP cũng đi kèm những thách thức lớn. Chẳng hạn, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng khoảng 30 bậc trong 5 năm qua, nhưng theo Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, Việt Nam – dù tăng điểm – vẫn đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong quá trình đàm phán Hiệp định này, bằng nhiều biện pháp khác nhau, Chính phủ đã tổ chức nhiều hình thức để lấy ý kiến rộng rãi của các hiệp hội cũng như các ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Hiệp định này.
Sau khi đàm phán, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá, định lượng về tác động của Hiệp định này đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát như tăng trưởng GDP, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cung như tác động đến các lĩnh vực sản xuất trong nước. Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ, chủ yếu các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm, chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để thực hiện Hiệp định này một cách hiệu quả và có lợi cho đất nước.
Trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thường xuyên cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp sau khi phê chuẩn Hiệp định này. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và phối hợp với các bộ ngành để xây dựng kế hoạch chi tiết phân công lộ trình triển khai một cách chủ động.
Hà Chính