Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Gia nhập “sân chơi” mới không thể yếu kém
Đây là nội dung được trao đổi tại hội thảo “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Các cam kết cơ bản - Những lưu ý cho doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công Thương vừa tổ chức.
Chủ tịch VCCI: các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh:VGP/Huy Thắng |
Ngày 8/3/2018, Việt Nam cùng 10 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây được xem là lựa chọn không thể tốt hơn cho khối các nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Hiệp định này.
Theo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như hiệp định xúc tiến bảo hộ thúc đẩy đầu tư với nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhưng Hiệp định CPTPP vẫn là đỉnh cao nhất của các thỏa thuận về đầu tư, thương mại với nước ngoài, trong đó cam kết mở cửa thị trường là lớn nhất.
Những chuẩn mực cao của CPTPP là động lực quan trọng, cũng là sức ép thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Việc mở cửa được thị trường, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thể chế trong nước sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng.
TS.Vũ Tiến Lộc bày tỏ kỳ vọng, tác động của hiệp định về mở cửa thị trường là lớn nhưng tác động lớn hơn, toàn diện hơn và quan trọng hơn chính là áp lực, cơ hội và những chuẩn mực thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Với việc đi vào thực thi của Hiệp định CPTPP, sẽ có tác động cộng hưởng giữa yêu cầu của hội nhập và nỗ lực cải cách thể chế trong nước. Điều đó sẽ tạo điều kiện mở rộng đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Phân tích cụ thể về CPTPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế khẳng định, toàn bộ cam kết về mở cửa thị trường của hiệp định TPP trước đây cũng như tuyệt đại đa số các nội dung quan trọng khác, bao gồm các lĩnh vực truyền thống và các lĩnh vực phi truyền thống vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP
Do đó, ông Khánh phủ nhận quan điểm cho rằng Hiệp định CPTPP có mức độ tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với TPP vì các nước thành viên thống nhất tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ quan trọng.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Hiệp định CPTPP vẫn là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao. Việc chủ động tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP thể hiện chủ trương xuyên suốt mang tính nhất quán của Chính phủ Việt Nam đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
“Dù lợi ích của Hiệp định CPTPP không còn lớn như TPP nhưng hiệp định này vẫn là yếu tố quan trọng đối với tiến trình đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là có ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh, hoạt động thương mại, đầu tư không chỉ với các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cả những nhà đầu tư nước ngoài”, ông Trần Quốc Khánh cho phân tích.
Phân tích thêm về CPTPP, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, điểm khác biệt với nhiều hiệp định thương mại trước đây là “chọn cho”, còn CPTPP có cách tiếp cận “chọn bỏ”. Điều đó nghĩa là CPTPP đưa ra các cam kết rộng, sâu hơn, bên ngoài danh mục hạn chế, thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư của các nền kinh tế tham gia hiệp định.
Tiếp đó là nguyên tắc “ratchet” chỉ tiến không lùi, các điều khoản sẽ điều chỉnh theo hướng thuận lợi hoá hơn. Ví dụ, nếu ban đầu nhà đầu tư được mua cổ phiếu thị trường chứng khoán là 49%, nếu điều chỉnh theo cam kết lên 51%, dù quản lý có thách thức tiềm ẩn hơn nhưng cũng không hạ tỷ lệ lại như cũ, nếu có thì thậm chí phải tăng tỷ lệ cho hơn nữa cho các nhà đầu tư bên ngoài…
“Cơ chế này giúp cho các doanh nghiệp có niềm tin hơn về chính sách. Khi một Chính phủ đưa ra chính sách mở cửa nào đó với nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ khó hay đổi lại theo hướng khép kín, kém thuận lợi đi. Điều này có thể khiến công tác quản lý gặp thách thức hơn, nhưng lại thu hút hấp dẫn nhà đầu tư vì tính ổn định, lâu dài của chính sách.
Cần sẵn sàng khi vào khu rừng lớn hơn
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng đến nay, đối với các ưu đãi về thuế quan do các hiệp định thương mại đã mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp chỉ tận dụng được 30-40%, nghĩa là đã bỏ lỡ 60-70% những ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, việc nghiên cứu và tranh thủ thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan là việc rất quan trọng với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể tiếp cận với thị trường quốc tế tốt hơn hơn.
"Doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ bám sát cam kết về cải cách thể chế trong Hiệp định CPTPP để thúc đẩy những cải cách thể chế ở trong nước. Bằng cách đó, doanh nghiệp một mặt đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh mặt khác chung tay với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh. Cả hai việc đó sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp", đại diện VCCI nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp thảo luận. Ảnh:VGP/Huy Thắng |
Tuy vậy, phải nói rằng, về phía các doanh nghiệp không phải doanh nhân nào cũng sẵn sàng cho những thử thách vì áp lực cạnh tranh từ việc tham gia CPTPP. Các doanh nghiệp, hiệp hội đến nay vẫn chủ yếu tiếp nhận các thông tin về CPTPP qua Trung tâm WTO và hội nhập-VCCI, Bộ Công Thương, có không ít doanh nghiệp vẫn cảm thấy e ngại. Có doanh nghiệp bày tỏ vẫn mông lung về việc mình sẽ phải thế nào để thích ứng với CPTPP trước những đối tác cạnh tranh lớn, tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm cạnh tranh lâu năm trên thị trường.
“Khi có CPTPP, chúng tôi như những con nai từ trong chuồng được được mở ra chạy vào một khu rừng lớn, với nhiều điều đang đón đợi, nhưng cũng không biết làm gì để tự bảo vệ, hay làm sao để thích ứng kịp với môi trường mới”, đại diện một doanh nghiệp ví von.
Đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng “đừng chờ CPTPP đi vào thực thi, lúc đó mới thay đổi”.
Các doanh nghiệp cần phải có cái nhìn rộng hơn, CPTPP không chỉ liên quan đến giá trị xuất khẩu nhập khẩu, mà mở ra nhiều “sân chơi, cách kiếm tiền mới”, không chỉ thị trường các nước tham gia CPTPP mà cả các nước ngoài hiệp định.
“Các doanh nghiệp cần tính toán cách kiếm tiền tốt hơn phù hợp với xu thế hội nhập hội nhập như: kinh doanh bao trùm, kinh doanh theo nền kinh tế tuần hoàn… Tất cả điều đó, các doanh nghiệp phải tính đến”, ông Võ Trí Thành phân tích.
Do đó, đánh giá về tổng thể CPTPP sẽ mang lại lợi ích chung tốt hơn, cũng như thu hút FDI có chất lượng cao hơn. Đối với lợi ích quốc gia, Việt Nam sẽ có chọn được các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI với các tiêu chuẩn công nghệ, môi trường, minh bạch cao hơn. Điều quan trọng nữa, ngoài những lợi ích kinh tế trực tiếp, CPTPP sẽ tạo nên sức ép cải cách môi trường kinh doanh mạnh hơn.
“Để cạnh tranh không cách nào khác phải giảm các chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần giảm phí bôi trơn, tham nhũng, nhũng nhiễu doanh nghiệp, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, khi buộc phải hội nhập cạnh tranh thì áp lực sáng tạo sẽ tốt hơn”, ông Thành bày tỏ.