Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TTXVN đưa tin, trên tài khoản Twitter, ông Pushkov - người đứng đầu Ủy ban tạm thời về chính sách thông tin và truyền thông của Hội đồng Liên bang (Thượng Viện) Nga, nhấn mạnh trong trường hợp Mỹ rút khỏi INF, đây sẽ là cú giáng mạnh nữa vào toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, sau khi Washington hồi năm 2001 đã rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM).
Trước đó, các hãng thông tấn nhà nước Nga ngày 20/10 dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết, động thái của Mỹ rút khỏi INF được thúc đẩy từ giấc mơ về một siêu cường quốc toàn cầu duy nhất.
Nguồn tin Bộ Ngoại giao nói với hãng thông tấn RIA Novosti: "Động cơ chính là giấc mơ về một thế giới đơn cực. Liệu điều này có thành sự thực? Không bao giờ".
Quan chức ngoại giao này cho biết Nga đã "nhiều lần lên án một cách công khai đường lối chính sách của Mỹ hướng tới việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân".
Theo vị quan chức, Washington "đã tiếp cận bước đi này trong lộ trình nhiều năm bằng cách cố ý và từng bước phá hủy nền tảng của thỏa thuận".
Người này cũng nhận định quyết định của Washington là "một phần đường lối chính sách của Mỹ nhằm rút khỏi các thỏa thuận pháp lý quốc tế, vốn đặt trách nhiệm ngang nhau giữa Mỹ và các đối tác, cũng như làm suy yếu khái niệm 'chủ nghĩa ngoại lệ' của Mỹ".
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).
Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF và cáo buộc nhau phá vỡ thoả thuận. Hôm 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận nước này sẽ rút khỏi hiệp ước với Nga, đồng thời cáo buộc Moskva vi phạm các điều khoản đã quy định trong thỏa thuận./.