Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại lễ kỷ niệm, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí chia sẻ, tiền thân của Cục Báo chí là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, thành lập ngày 28/8/1945 do ông Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Ngày 3/5/1946, Nha Thông tin tuyên truyền ra đời với chức năng thu thập và truyền bá tin tức trong nước, đánh dấu sự ra đời của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí.
Ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin Phạm Quang Nghị ký Quyết định thành lập Cục Báo chí.
Ngày 28/6/2004, Bộ trưởng Phạm Quang Nghị ký ban hành Quyết định 44/2004/QĐ-BVHTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Báo chí.
Ngày 27/7/2007, Bộ TT&TT được thành lập và Cục Báo chí chính thức trực thuộc Bộ TT&TT.
Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trọng công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí.
Đặc biệt, bước sang thời kỳ đổi mới, hệ thống quan điểm của Đảng về lãnh đạo báo chí ngày càng được hoàn thiện theo phương châm "phát triển gắn liền với quản lý báo chí", "phát triển phải đi đôi với quản lý báo chí".
Năm 2019, thực hiện chủ trương của Đảng, Cục Báo chí là đơn vị chủ trì đã tham mưu Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Việc Quy hoạch báo chí được ban hành đã tạo bước phát triển mới cho báo chí Việt Nam theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong xây dựng chính sách, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Bộ TT&TT, sự nỗ lực trong tham mưu của Cục Báo chí và các đơn vị chức năng.
Công tác xây dựng chính sách, pháp luật cũng được Cục Báo chí đặc biệt quan tâm, tạo nền móng hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của báo chí qua các thời kỳ.
20 năm qua, công tác quản lý nhà nước về báo chí cũng đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Việc tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí đã giúp báo chí hoạt động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp. Những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng "báo hóa" các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, tình trạng mạng xã hội "núp bóng" hoạt động như cơ quan báo chí được chấn chỉnh mạnh tay, có hiệu quả.
Ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh thế hệ cán bộ, nhân viên Cục Báo chí hôm nay tiếp tục quyết tâm vượt khó, đổi mới, sáng tạo, bứt phá vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ giao phó; hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số báo chí; tháo gỡ bất cập, để phát triển kinh tế báo chí; dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số báo chí; xây dựng mô hình cơ quan báo chí, phát triển kinh tế báo chí, đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin xã hội…
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, những người làm báo cần nhất và mong nhất ở cơ quan quản lý chính là nội dung quản lý nhà nước. Quản lý tốt để tạo môi trường lành mạnh, tạo cơ chế, chính sách mới phù hợp để hỗ trợ, giúp đỡ báo chí trong sự nghiệp phát triển, làm nghề được và "sống" được. Còn phần chuyên môn thì những người làm báo đã làm rất tốt.
Bộ trưởng mong muốn và yêu cầu Cục Báo chí phải có chuyển biến mạnh mẽ với kết quả cụ thể về công tác quản lý báo chí trong thời gian tới.
Tại lễ kỷ niệm, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí.
Theo số liệu từ Cục Báo chí, năm 1986 cả nước có 241 cơ quan báo chí (115 báo, 126 tạp chí), đến năm 2022 có 797 cơ quan báo chí ( 127 báo, 670 tạp chí). Nguồn nhân lực báo chí in, báo chí điện tử đến năm 2022 có 23.900 người; 12.300 người được cấp thẻ nhà báo.
Quy mô thị trường (tổng doanh thu) từ hoạt động báo chí năm 2003 là 2.100 tỷ đồng; đến năm 2022 đạt 9.500 tỷ đồng. Doanh thu từ quảng cáo năm 2003 là 770 tỷ đồng, đến năm 2022 là 4.700 tỷ đồng.
Hiền Minh