Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước nhấn mạnh, năm 2022 là năm đánh dấu tròn 10 năm kể từ năm đầu tiên (2013) Việt Nam công nhận và hướng tới những giá trị cao đẹp thông qua việc hàng năm hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn cho biết thêm, đến thời điểm 23/5/2021, tròn 10 năm thành lập đơn vị Cục Bồi thường nhà nước, với tinh thần “ngày nào cũng là ngày pháp luật” nhằm nêu cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, công tác quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về bồi thường nhà nước đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Trong 10 năm qua, để hoàn thiện thể chế, đơn vị Cục Bồi thường nhà nước đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành 2 Nghị định, 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 25 Thông tư và Thông tư liên tịch.
Riêng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Cục đã in và xuất bản 18 ấn phẩm với số lượng in phát hành hơn 40.477 cuốn sách các loại; xây dựng 04 số tạp chí chuyên đề chuyên sâu với gần 10.000 cuốn; in và phát hành 260.462 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổ chức 15 buổi phát sóng trên kênh truyền hình VTV, truyền hình Quốc hội, truyền hình Hà Nội, báo điện tử; xây dựng Video tuyên truyền về quyền yêu cầu bồi thường cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với tinh thần nêu trên, đặc biệt, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể công chức, viên chức, người lao động, Cục đã góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, giải quyết các vụ việc phát sinh yêu cầu bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Đặc biệt hơn 10 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đã có 478 vụ việc được thụ lý, giải quyết, trong đó đã giải quyết xong 421 vụ việc, với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường là trên 225 tỷ đồng.
Đặc biệt, tháng 10/2022 vừa qua đã diễn ra Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và một trong những nội dung đặc biệt quan trọng được Trung ương thảo luận là “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Sự kiện đặc biệt quan trọng này này sẽ đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới trong việc hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật nói chung cũng như những yêu cầu phải hoàn thiện thiết chế, thể chế về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói riêng trong thời gian tới.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác bồi thường nhà nước, Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn đề nghị công chức, viên chức, người lao động Cục tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như:
Một là, luôn lấy tinh thần “ngày nào trong năm cũng là ngày pháp luật” làm tôn chỉ và thước đo cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được cơ quan, đơn vị phân công cũng như trong cuộc sống, bảo đảm phát huy tinh thần thượng tôn Hiến pháp và Pháp luật.
Hai là, giao các đơn vị thuộc Cục nghiên cứu, đề xuất việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bảo đảm thực hiện đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Ba là, chủ động học tập và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phục vụ trực tiếp cho việc hoàn thiện thể chế, thiết chế về công tác bồi thường nhà nước.
Trong khuôn khổ Lễ mít tinh, Đoàn thanh niên Cục tổ chức sinh hoạt chuyên đề Hưởng ứng 10 Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, những khó khăn, vướng mắc và đưa ra nhiệm vụ, phương hướng thời gian tới.
Lê Sơn