Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là lần thứ 4 Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam được trao tặng giải thưởng “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023” sau các năm 2017, 2021 và 2022. Năm nay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã vượt qua rất nhiều ứng viên xuất sắc được đề cử như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ… để đoạt danh hiệu này.
Giải thưởng “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” mà Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đạt được trong các năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2023 là kết quả xứng đáng dành cho những nỗ lực vượt bậc của cơ quan này nhằm đưa du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức từ đại dịch COVID-19, tái thiết và phục hồi du lịch sau đại dịch, đưa du lịch Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực, khẳng định vị thế thương hiệu du lịch quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới.
Cụ thể, năm 2021, toàn ngành du lịch triển khai các giải pháp ứng phó an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người lao động trong ngành, đồng thời chủ động mở ra các hoạt động kích cầu du lịch nội địa vào những thời gian dịch bệnh được kiểm soát. Cục Du lịch Quốc gia chủ động tham mưu Bộ VHTT&DL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế trở lại từ cuối năm 2021, tạo đà cho việc mở cửa trở lại hoàn toàn sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Năm 2022, Cục đã chủ động tham mưu các cấp về việc mở cửa trở lại hoàn toàn du lịch Việt Nam. Đề xuất này đã trở thành hiện thực khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chính thức mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch nội địa và quốc tế từ ngày 15/3/2022, mở ra chặng đường mới cho sự phục hồi của toàn ngành.
Năm 2022 toàn ngành du lịch triển khai mạnh mẽ các hoạt động kết nối lại thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch. Kết quả là lượng khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt, cao hơn cả thời điểm năm 2019 trước khi dịch bệnh xảy ra; khách du lịch quốc tế từng bước phục hồi.
Ngay từ đầu năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất các cấp ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những giải pháp đột phá cho du lịch phát triển trong thời kỳ mới.
Các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về chính sách thị thực, xuất nhập cảnh mới có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, theo đó nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước được miễn thị thực đơn phương; thực hiện cấp thị thực điện tử đối với công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ, nâng thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày và có hiệu lực xuất, nhập cảnh nhiều lần. Đây là những chính sách đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá, được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phê duyệt ban hành Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mong đợi của các địa phương, doanh nghiệp và phù hợp xu hướng phát triển du lịch trong thời kỳ mới.
Trong công tác quản lý nhà nước, Cục đã liên tục đồng hành, định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các chương trình hành động phục hồi và phát triển du lịch, các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch, chương trình liên kết hợp tác liên vùng, kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm mới, bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch…
Ở thị trường nước ngoài, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng đoàn du lịch Việt Nam đã tham dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2023 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định quyết tâm Việt Nam hội nhập với sự phục hồi của du lịch toàn cầu.
Ở trong nước, cơ quan quản lý du lịch quốc gia đã đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC 2023 và rất nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá nổi bật khác ở trong và ngoài nước.
Nỗ lực của toàn ngành đã mang đến kết quả tích cực cho ngành du lịch Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam đón trên 7,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hoàn thành 98% mục tiêu cả năm nay; phục vụ 86 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 482.000 tỷ đồng. Kết quả này hứa hẹn ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sắp đến.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, chỉ trong 6 tháng đã từ vị trí thứ 11 vượt lên vị trí thứ 6 với mức tăng trưởng ở nhóm 10% đến 25%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của Đông Nam Á và cũng là điểm đến duy nhất của khu vực nằm trong nhóm này. Xu hướng này mở ra cơ hội để ngành du lịch Việt Nam nắm bắt và tận dụng nhằm đẩy nhanh thu hút khách quốc tế thời gian tới.
Những thành tựu mà Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành đạt được trong thời gian qua là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương, sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp, sự yêu mến, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế và sự ủng hộ của toàn xã hội đối với công cuộc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.
Diệp Anh