Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa chính thức ký kết Quy chế phối hợp. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Nội dung của chương trình phối hợp giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam căn cứ theo Chương trình phối hợp giữa hai Bộ, đảm bảo tính thường xuyên, chủ động và kịp thời; phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi bên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong hoạt động hàng hải.
Chương trình phối hợp công tác được các bên cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ và chỉ đạo thường xuyên; định kỳ kiểm tra, tổng kết, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, các bên căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong quá trình phối hợp công tác về lĩnh vực quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, công tác quản lý tổng hợp của Nhà nước về biển và hải đảo và lĩnh vực hàng hải trong thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ nhất là sau khi Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo có hiệu lực.
“Do đó, cần thiết phải có một Quy chế phối hợp để các đơn vị liên quan của hai bên triển khai hiệu quả hơn, nhất là trong việc thực hiện quy hoạch, nhận chìm, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển, hải đảo để nâng cao hơn nữa và để triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Giao thông Vận tải về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động giao thông vận tải giai đoạn 2018 - 2021”, ông Tạ Đình Thi nói.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bày tỏ sự nhất trí với các nội dung đề xuất của Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi và yêu cầu các đơn vị của hai Bên tích cực phối hợp triển khai các nội dung của Quy chế, như: quy hoạch xây dựng; nạo vét duy tu, xây dựng tuyến luồng hàng hải; tìm kiếm vị trí đổ chất nạo vét…
“Đề nghị các đơn vị chức năng của hai bên cần tăng cường phối hợp theo Quy chế đã ký để tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển. Theo kế hoạch được thống nhất, ba năm một lần, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam sẽ đồng chủ trì tổng kết công tác phối hợp giữa hai bên và định hướng công tác chỉ đạo hoạt động phối hợp trong những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Xuân Sang nói.
Theo Quy chế, chương trình phối hợp công tác được áp dụng đối với Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các cơ quan, đơn vị thuộc hai cơ quan. Trong đó, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể như: công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; công tác hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ; công tác cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến hàng hải, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tổ chức thực hiện quản lý điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Cùng với đó hai cơ quan sẽ phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quản lý hoạt động hàng hải.
Phan Trang