Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cục Thuế Thái Bình cho biết, phấn đấu ước cả năm 2022, tổng thu nội địa trên địa bàn đạt 12.500 tỷ đồng, đạt 172,9% dự toán trung ương giao, bằng 147,9% dự toán của tỉnh giao, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Trong đó thu từ thuế và phí ước đạt 7.440 tỷ đồng, đạt 129,8% dự toán của trung ương và tỉnh giao, tăng 8,6% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất ước đạt 5.060 tỷ đồng, đạt 337,3% dự toán trung ương giao, đạt 185,8% dự toán tỉnh giao, tăng 37,3% so với cùng kỳ.
Đánh giá chi tiết về kết quả thu từ thuế, phí và lĩnh vực thu lớn, lãnh đạo Cục Thuế Thái Bình cho hay, thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 2.920 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán trung ương và tỉnh giao, tăng 7,6% so với cùng kỳ (tăng 206 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 2.100 tỷ đồng, đạt 117,8% dự toán trung ương và tỉnh giao vượt 318 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2021 (tăng 67 tỷ đồng). Nguyên nhân tăng thu là nhờ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cơ bản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, đồng thời ngành thuế đã tích cực đôn đốc người nộp thuế khi hết thời gian gia hạn, nộp kịp thời số thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2022.
Các chỉ tiêu thu từ thuế và phí khác cũng đã cơ bản hoàn thành và vượt dự toán giao. Tuy nhiên, riêng thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương ước thực hiện 320 tỷ đạt 81% dự toán (giảm 75 tỷ đồng), bằng 77,2% so với cùng kỳ (giảm 94 tỷ đồng). Nguyên nhân giảm thu do số thu từ Nhà máy Nhiệt điện 1 giảm do giá nguyên liệu đầu vào (than) tăng, thuế GTGT đầu ra giảm (từ 10% xuống 8% theo chính sách), dự kiến giảm 70 tỷ đồng. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 dự kiến năm 2022 chưa có số phát sinh, nhưng dự toán năm 2022 vẫn giao thu 30 tỷ đồng, dẫn đến chỉ tiêu thu này giảm so với dự toán giao.
Chỉ tiêu thu từ thuế, phí, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn ước cả năm đạt 5.060 tỷ đồng, đạt 337,3% dự toán trung ương giao, đạt 185,8% dự toán tỉnh giao, tăng 37,3% so với năm 2021.
Theo Cục Thuế Thái Bình, để phấn đấu tổng thu nội địa năm 2022 đạt 12.500 tỷ đồng (gồm tiền sử dụng đất là 5.060 tỷ đồng, thuế phí là 7.440 tỷ đồng) trong tháng cuối năm cục thuế cần phải thu được 3.527 tỷ đồng (gồm tiền sử dụng đất là 2.090 tỷ đồng, thuế phí là 1.438 tỷ đồng).
Cục Thuế Thái Bình đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục bám sát kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất để phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; đồng thời trên cơ sở các thông tin các dự án đấu giá thành công, cơ quan thuế nhanh chóng kịp thời ban hành thông báo và đôn đốc thu nộp trong năm 2022 để phấn đấu thu tiền sử dụng đất trong tháng cuối năm đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Cục thuế bám sát để đôn đôn đốc kịp thời các khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn để nộp kịp thời vào NSNN trong năm 2022. Phối hợp chặt chẽ với sở, ngành và UBND các huyện thành phố để rà soát, đôn đốc các khoản thuế, phí còn dư địa trên địa bàn; đặc biệt là khoản thu xây dựng cơ bản vãng lai sẽ giải ngân vốn vào 02 tháng cuối năm để thu nộp kịp thời vào NSNN.
Ngoài ra, Cục thuế tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, duy trì ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giao dịch với người nộp thuế, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực, đảm bảo thực hiện tốt công tác hóa đơn điện tử. Từ đó giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng hạn hồ sơ, thủ tục hành chính thuế của người nộp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người nộp thuế; tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách địa phương.
VT