• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cục trưởng Cục trẻ em thông tin về vụ bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng

(Chinhphu.vn) - Cục Trẻ em cho biết, Sở LĐTB&XH TPHCM đã vào cuộc, xác minh, xử lý vụ việc, chăm sóc hỗ trợ cháu bé nạn nhân mái ấm Hoa Hồng. Hiện nay, các cháu bé đã được đưa tới cơ sở trợ giúp xã hội công lập để chăm sóc.

05/09/2024 16:10
Cục trưởng Cục trẻ em thông tin về vụ bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng có mặt tại mái ấm Hoa Hồng

Liên quan vụ bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM), trao đổi với báo chí ngày 5/9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, ngay khi tiếp nhận vụ việc, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có công điện đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM thực hiện khẩn cấp các nhiệm vụ: Vào cuộc kiểm tra vụ việc; có các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại mái ấm Hoa Hồng…

Cục Trẻ em đã nhận được báo cáo nhanh của Sở LĐTB&XH TP.HCM và các chỉ đạo của Văn phòng UBND TPHCM về việc vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc.

Chính quyền TPHCM cũng lập đoàn kiểm tra mái ấm Hoa Hồng. Tại đây, cơ quan chức năng đã đưa các trẻ từ mái ấm Hoa Hồng đến các nơi chăm sóc mới để đảm bảo an toàn.

Với mái ấm Hoa Hồng, ông Nam cho biết theo giấy phép hoạt động, cơ sở này chỉ được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng có thời điểm lên đến 100 em, tức gần gấp 3 lần. Việc đón trẻ vượt năng lực chăm sóc dẫn đến trẻ không an toàn.

Theo đó, Cục Trẻ em đề nghị TPHCM phải thiết lập cơ chế, mạng lưới điều phối chuyển tuyến các dịch vụ, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc trẻ tập trung. Cầu nối điều phối có thể là Sở LĐTB&XH hoặc trung tâm công tác xã hội trực thuộc thành phố.

"Các đơn vị trên có nhiệm vụ thông báo đến các cơ sở trợ giúp xã hội về việc không được phép giữ trẻ ở lại khi quá tải, để trẻ luôn luôn được chăm sóc môi trường tốt nhất…", ông Đặng Hoa Nam nói.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cảnh báo, hiện nay các cơ sở trợ giúp xã hội đang có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác.

Luật Trẻ em và văn bản hướng dẫn yêu cầu ưu tiên trẻ em được chăm sóc ở môi trường gia đình, chăm sóc thay thế là giải pháp cuối cùng. Người đứng đầu cơ sở chăm sóc trẻ em có trách nhiệm lập danh sách trẻ, báo cáo cơ quan chức năng điều phối chuyển tuyến khi vượt quá số lượng quy định, phối hợp địa phương tìm trẻ về gia đình gốc hoặc tìm cá nhân thay thế với môi trường gia đình. Tuy nhiên, quy định này chưa được làm nghiêm.

Nghiên cứu quy định bắt buộc lắp camera giám sát đối với cơ sở chăm sóc trẻ

Để không tái diễn các trường hợp tương tự, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng cần nâng cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý. Đặc biệt là sự giám sát thường xuyên của chính cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ, có thể qua hệ thống camera nội bộ.

Về lâu dài, ông Nam nhận thấy đang thiếu đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào cơ quan quản lý Nhà nước thì không đủ người để kiểm tra tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội; chỉ có nhân viên công tác xã hội mới có thể giám sát thường xuyên. Hiện, một số địa phương đang thử nghiệm phương pháp này.

Trả lời câu hỏi về quy định bắt buộc các cơ sở trợ giúp xã hội phải lắp camera phục vụ công tác hậu kiểm, tránh chỉ kiểm tra trên sổ sách, ông Nam cho biết hiện nay quy định pháp luật chưa có quy định bắt buộc.

Tuy nhiên, ông nói đề xuất trên sẽ sớm được nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật nhằm phát hiện sớm các trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ em.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng khẳng định hiện nay các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em đã đầy đủ, quan trọng là thực hiện phải đúng và đủ. Chẳng hạn luật đã quy định rõ điều kiện người chăm sóc trẻ phải có kiến thức, kỹ năng, lý lịch tư pháp… Tuy nhiên trong thực tế việc giám sát đội ngũ này như thế nào cũng cần phải xem lại.

Thu Cúc