Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta đang ở một thời khắc quyết định, khi những diễn biến 3 tháng qua cho thấy đây là cuộc chiến không thể vượt qua nhanh chóng, dễ dàng trong khi những tác động đối với hoạt động kinh tế và doanh nghiệp đang ngày càng thấy rõ.
Doanh nghiệp thật sự lao đao
Trong tuần trước, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giầy và Túi xách, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đã ký chung một bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng, phản ánh những khó khăn của việc áp dụng phương thức "3 tại chỗ" theo yêu cầu của Bộ Y tế và các địa phương.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy và Túi xách Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp thuộc 4 hiệp hội này đều có quy mô sử dụng hàng nghìn đến vài chục nghìn lao động. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 ngành trên đạt hơn 160 tỷ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch XK cả nước, góp phần nuôi sống hơn 8 triệu lao động. Bên cạnh đó, có khoảng 12,5 triệu người gián tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ các ngành trên.
Nếu như năm 2020, xuất khẩu Việt Nam đã bứt tốc nhờ việc tận dụng các đơn hàng dịch chuyển từ các khu vực bị đóng cửa sản xuất do dịch bệnh như Đông Âu, Nam Mỹ thì nay nguy cơ xảy ra tình trạng ngược lại đang hiện hữu. Đã có dấu hiệu cho thấy nhiều khách hàng dệt may, da giầy ngưng đơn hàng mới hoặc xem xét điều chuyển đơn hàng sang khu vực khác.
Thực tế, khi các tỉnh phía nam đưa ra yêu cầu "3 tại chỗ", phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được đều phải đóng cửa. Một số ít đáp ứng được thì bây giờ lại đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch, khiến các doanh nghiệp khác đang áp dụng "3 tại chỗ" nhìn vào đó cũng phải băn khoăn, cân nhắc.
"Nếu ngừng sản xuất, doanh nghiệp sẽ mất lao động, sau này sẽ rất khó tuyển dụng trở lại. Nếu tiếp tục sản xuất, doanh nghiệp vừa giữ chân được lao động, vừa cùng chung tay lo phúc lợi cho người lao động, giảm bớt áp lực cho Chính phủ và địa phương", bà Xuân nhấn mạnh.
Từ một góc độ khác, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc áp dụng các biện pháp chặt chẽ nhằm hạn chế người di chuyển là cần thiết để chặn đường lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điển hình là các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị nhiều địa phương đánh giá không phải là "hàng hóa thiết yếu", do đó không được vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp;
Ngay cả khi Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các biện pháp tháo gỡ, thì có nơi, có lúc các điểm chốt tại địa phương vẫn không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, khiến cho nhiều doanh nghiệp bức xúc.
Trong công văn mới đây gửi các địa phương, Bộ Công Thương khẳng định "việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn."
Nếu phải đóng cửa nửa tháng, một tháng, doanh nghiệp còn có thể chịu đựng để vượt qua. Nhưng nếu phải đóng cửa lâu hơn, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vượt qua điểm gãy, kể cả khi dịch qua đi, cũng sẽ rất khó phục hồi.
Liều vaccine nào cho nền kinh tế?
Doanh nghiệp là thành phần duy trì và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong mọi tình huống, luôn cần cân nhắc đến việc đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Nói cách khác, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, cơ sở dịch vụ cũng cần được bảo vệ, thông qua những biện pháp làm giảm thiểu tác động, thiệt hại từ các thử thách, trong trường hợp này là các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh những tháng qua ở các tỉnh phía nam cho thấy tính chất của đợt dịch này khác với những lần trước. Với biến chủng Delta, cơ chế lây truyền của virus dường như cũng khác. Không phải là sự lây truyền thông qua giọt bắn như SARS-CoV-2 đời đầu mà dường như loại virus này có thể tồn tại lơ lửng trong không khí và do vậy phát tán xa hơn, rộng hơn. Điều đó cũng có nghĩa là việc giữ khoảng cách 2 mét là chưa đủ để an toàn và rất nhiều người nhiễm sẽ không rõ nguồn lây vì truy vết không hề thấy tiếp xúc với F0 hay cả F1.
Tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương sáng 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở, ngay cả sau khi tiêm vaccine chúng ta cũng không được chủ quan. Tiêm vaccine không có nghĩa là sẽ miễn nhiễm với virus, mà người được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm, nhưng vaccine giúp giảm nhẹ triệu chứng và giảm tỉ lệ tử vong. Người được tiêm vaccine khi nhiễm virus vẫn có thể là nguồn lây nhiễm cho người khác, nếu người bị lây thuộc nhóm nguy cơ cao (lớn tuổi, có bệnh nền) và chưa tiêm vaccine thì khả năng người đó trở bệnh nặng vẫn rất lớn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyến đi thực tế vừa qua cũng nhận định dịch đang thâm nhập rất rộng và sâu ở các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và thời gian dập dịch phải tính bằng tháng.
Điều này cho thấy tính chất phức tạp cuộc chiến chống COVID-19 lần này và khả năng bước ra khỏi cuộc chiến này không thể nhanh chóng như những đợt dịch trước.
Nếu dịch còn kéo dài mà toàn bộ hoạt động sản xuất vẫn đình trệ thì hậu quả cho nền kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng. Nên phải tìm ra cách chung sống với dịch, sản xuất ngay cả khi có dịch.
Do vậy, nền kinh tế cũng cần được tiêm vaccine, mà vaccine ở đây không gì khác là chính sách, biện pháp nhất quán từ Trung ương đến địa phương nhằm động viên, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện dịch bệnh. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt cho việc này và doanh nghiệp, người dân cảm nhận được rõ sự quan tâm, chia sẻ.
Cần “trường kỳ tay cày, tay súng”
Trong thời điểm quyết định, việc đưa ra một cách tiếp cận mới, một sách lược phù hợp sẽ giúp quá trình phòng chống dịch hiệu quả hơn, từ cả góc độ y tế và kinh tế.
Vì dịch bệnh còn khả năng kéo dài nên cần xác định vừa chống dịch vừa phải duy trì sản xuất, hoạt động kinh tế đến mức tối đa có thể được.
Trong chiến tranh, cha anh chúng ta đã thực hành "tay cày, tay súng", khi máy bay địch đến thì cầm súng, khi ngơi ra lại tập trung vào sản xuất, không vì có chiến tranh mà dừng mọi hoạt động sản xuất.
Thay vì yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ" hoặc đóng cửa, có thể yêu cầu các doanh nghiệp giảm số lượng công nhân tập trung tại nhà máy, bố trí quy trình sản xuất giãn cách tối đa có thể, không tiếp xúc giữa các tổ, đội và tăng cường các biện pháp phòng hộ cá nhân. Trong trường hợp một bộ phận sản xuất có ca nhiễm, chỉ ca nhiễm đó và các đối tượng liên quan phải cách ly, các bộ phận khác trong doanh nghiệp vẫn được tiếp tục làm việc, trừ khi số lượng ca nhiễm đã trở nên mất kiểm soát thì mới đóng cửa hoàn toàn doanh nghiệp.
Đề cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng, giao cho các hiệp hội phối hợp với địa phương giám sát hoạt động của các doanh nghiệp hội viên để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về giãn cách.
Xác định đúng vai trò của các doanh nghiệp và người lao động trong vận tải và logistics, những người tạo nên huyết mạch của cuộc sống và nền kinh tế, đảm bảo hàng hóa lưu thông phục vụ người dân cũng như cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ hàng hóa kịp thời cho doanh nghiệp. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành này hoạt động tương tự các doanh nghiệp sản xuất.
Phòng chống COVID-19 là một cuộc diễn tập lớn. Vì vậy, ngay cả sau này khi COVID-19 không còn là mối đe dọa thường trực, thì những gì rút ra từ sách lược hôm nay vẫn sẽ là kinh nghiệm quý báu khi nền kinh tế đối mặt với những thử thách khắc nghiệt khác trong tương lai.
Trần Thanh Hải