Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh cho biết, đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, cộng đồng DN cần định nghĩa lại thành công của DN không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, hay DN cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh: "Khi đã chuyển đổi về tư duy, các DN cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của DN theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong DN và thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh)".
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch HĐQT PNJ nhấn mạnh: Sản xuất và kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu giúp DN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn, thu hút tốt hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường mục tiêu theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, giúp DN có thể trụ vững, phục hồi trước các "cú sốc" bên ngoài và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Thúc đẩy phát triển bền vững DN, từ đó xây dựng một cộng đồng DN vững mạnh là chiến lược và mục tiêu mà VCCI nói chung và VBCSD nói riêng đã, đang và sẽ nỗ lực bền bỉ theo đuổi. Được thành lập năm 2010 theo phê duyệt của Chính phủ, đến nay, VBCSD đã quy tụ một mạng lưới hàng trăm DN, tổ chức trong nước, quốc tế có cam kết và hành động mạnh mẽ về phát triển bền vững. VBCSD đã có nhiều đóng góp vào sự chuyển đổi tư duy kinh doanh từ "vị" lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm; tiên phong đem những khái niệm, xu hướng mới của thế giới trong kinh doanh bền vững như kinh doanh cùng người thu nhập thấp, kinh tế tuần hoàn...
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững Tập đoàn PAN chia sẻ: Chiến lược phát triển bền vững hài hoà lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của công ty nhằm tối ưu hoá các nguồn lực. Bên cạnh đó, đây cũng là yêu cầu từ phía các khách hàng, đối tác, đặc biệt là các khách hàng châu Âu. Chẳng hạn, Tập đoàn Tesco yêu cầu dấu vết carbon trên các sản phẩm thuỷ sản. Lợi ích của DN khi áp dụng phát thải thấp ở nhà máy là đã giảm được chi phí và giảm phát thải, giúp DN tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, nâng cao giá trị thương hiệu khi ra thị trường quốc tế; tận dụng được các phụ phẩm; thâm nhập mở rộng thị trường nhất là các thị trường cao cấp. Đặc biệt, hiện nay các nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới các chỉ số về kinh tế mà họ còn quan tâm đến sự tuân thủ của các công ty về môi trường và xã hội.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại AEON Việt Nam cho rằng, thực hành phát triển bền vững có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Tại AEON, khách hàng có thể thuê túi mà không phải mua mới, qua đó lan toả hành vi tiêu dùng xanh sử dụng túi môi trường xanh. AEON đã có nhiều hoạt động cộng đồng lồng ghép giáo dục, đào tạo và chia sẻ, qua đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Hiện khách thuê túi của AEON đã lên tới 20.000 lượt.
Bước sang năm thứ 10, VCSF 2023 sẽ chia sẻ các thông lệ tốt của các DN bền vững trong quá trình triển khai "từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững" về một loạt các chủ đề có liên quan chặt chẽ đến "cuộc đua xanh toàn cầu" hiện nay. Đó là đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp; xây dựng chuỗi cung ứng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển dịch năng lượng bền vững; phát triển kinh tế biển xanh; thực hành khung đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trong DN hướng tới tăng trưởng xanh...
Từ đó, các DN sẽ được tiếp thêm cảm hứng, động lực để cùng nỗ lực và cam kết mạnh mẽ hơn nữa với con đường kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm.
Anh Minh