Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát động Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ II/2025 tại Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Ảnh: VGP
Tiếp nối thành công Cuộc thi lần thứ I/2023, Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ II – năm 2025", nhằm khuyến khích, động viên và tạo nên phong trào yêu di sản văn hoá Việt, gìn giữ và tôn vinh những giá trị vô giá của di sản văn hoá dân tộc trong các thế hệ họa sĩ, đặc biệt là thế hệ các họa sĩ trẻ đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.
Tại Lễ phát động, ông Tô Văn Động-Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, Tại cuộc thi lần thứ I, đã có gần 1.000 tác phẩm dư thi, 70 tác phẩm vào chung khảo và 30 tác phẩm đoạt giải. Cuộc thi "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" đã cho thấy nhiều tác phẩm chất lượng và có sự sáng tạo vô cùng độc đáo, thu hút sự chú ý của đông đảo người xem. Cuộc thi lần thứ nhất đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt có sự tham gia đông đảo của các nhà trường, các thầy cô và các em học sinh sinh viên trong đó có sự tham gia nhiệt tình của Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Năm nay, cuộc thi có sự đổi mới khi hướng vào giới trẻ đó là trong cơ cấu giải thường có 03 Giải trẻ (dành riêng cho học sinh, sinh viên – độ tuổi từ 6 đến 22 tuổi). Điều đó cho thấy Ban Tổ chức rất chú trọng đến thế hệ trẻ để hướng các bạn thêm yêu di sản văn hóa Việt Nam, trân trọng và góp phần lưu giữ và lan tỏa những giá trị quý báu của di sản văn hóa Việt Nam.
Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ II – năm 2025", nhằm khuyến khích, động viên và tạo nên phong trào yêu di sản văn hoá Việt, gìn giữ và tôn vinh những giá trị vô giá của di sản văn hoá dân tộc. Ảnh: VGP
Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Tô Văn Động cho biết, Ban Tổ chức làm với trách nhiệm cao, mong muốn cuộc thi được tổ chức thường niên, đặc biệt là lan tỏa tới các Trường Đại học, các trường mỹ thuật; tổ chức các triển lãm trưng bày các tác phẩm đạt giải và các tác phẩm tham gia cuộc thi. Hiện nay, Ban Tổ chức cũng đẩy mạnh truyền thông về cuộc thi trên các nền tảng xã hội trong đó có Tiktok, đó là thực hiện Chiến dịch hashtag challenge #DiSanVietNam trên TikTok, kêu gọi cộng đồng sáng tạo nội dung về di sản nước nhà. Trải nghiệm di sản bằng công nghệ thực tế ảo (VR), giúp người dùng khám phá các địa danh, bảo tàng và tác phẩm nghệ thuật qua không gian số. Tổ chức các chuyến đi thực tế cùng các nhà sáng tạo nội dung để ghi hình và quảng bá di sản địa phương trên nền tảng TikTok. các đạt giải được số hóa, được đưa lên Tiktok, ngắm được các bức tranh một cách chân thật.
"Ban Tổ chức sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp và đổi mới để cuộc thi ngày càng hoàn thiện hơn; tạo ra sân chơi nghệ thuật bổ ích, tạo nên thương hiệu riêng của cuộc thi. Đồng thời mong muốn Huế sẽ là địa phương tích cực tham gia cuộc thi vì đây là nơi hội tụ tinh hoa di sản văn hóa Việt Nam", ông Tô Văn Động nói.
Thầy Võ Quang Phát-Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế chia sẻ, Cuộc thi "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" rất ý nghĩa, góp phần bảo tồn lan tỏa những giá trị quý báu của di sản văn hóa Việt Nam. Đặc biệt qua hai lần tổ chức cuộc thi Ban Tổ chức đã làm việc chu đáo, chuyên nghiệp, đã thu được những kết quả tích cực.
Thầy Võ Quang Phát cho biết, Cuộc thi lần thứ nhất, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đã đạt 3 giải thưởng, đó là niềm vinh dự lớn cho trường, cho các thầy cô và các em sinh viên. Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế nguyên là trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế được thành lập năm 1957, là một trong 3 trung tâm đào tạo Mỹ thuật lớn của cả nước. Đến nay Trường có 6 ngành đào tạo Hội họa, Điêu khắc, Sư phạm Mỹ thuật, Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang. Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đã tích cực tham gia cuộc thi.
"Trong năm nay, Trường sẽ tiếp tục huy động các thầy cô giáo, các em sinh viên tích cực tham gia cuộc thi. Đồng thời mong muốn Ban Tổ chức sẽ có thêm các hạng mục dành riêng cho nhóm nghệ sĩ đã thành danh, nghệ sĩ triển vọng và thế hệ trẻ. Từ đó sẽ có được những tác phẩm có giá trị, nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của cuộc thi không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới", Thầy Võ Quang Phát nói.
Sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế hứng thú tìm hiểu và tham cuộc thi. Ảnh: VGP
Là tác giả người Huế đạt giải Nhì cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ nhất, năm 2023 với tác phẩm "Hiếu Lăng một chiều thu" chất liệu in khắc đồng, chị Trần Thị Thanh Dung bày tỏ niềm vui và vinh dự khi tham gia cuộc thi và tác phẩm của mình đã đạt giải. Chị cũng đã từng tham gia nhiều cuộc thi và triển lãm tuy nhiên chị nhận thấy cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" được tổ chức chuyên nghiệp, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo làm việc công tâm, chỉn chu và chu đáo. Chị Dung mong muốn cuộc thi sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa để thu hút thêm các tác giả chuyên nghiệp, đã thành danh, những người yêu hội họa, các tác giả trẻ tham gia. Đồng thời qua cuộc thi các di sản văn hóa Việt Nam trong đó có các di sản văn hóa của Huế sẽ được biết đến nhiều hơn nữa đến những người yêu di sản, đến các khách du lịch, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới.
Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" dành cho tất cả những người yêu hội hoạ, yêu di sản Việt, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng chuyên mỹ thuật và các trường văn hóa – nghệ thuật trên phạm vi cả nước, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội tìm hiểu, thể hiện tình yêu với di sản văn hóa, thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo trong những sáng tác hội họa của mình. Qua đó khuyến khích, động viên và tạo nên phong trào yêu di sản văn hoá Việt, gìn giữ và tôn vinh những giá trị vô giá của di sản văn hoá dân tộc, lan toả tình yêu di sản văn hóa trong giới trẻ hiện nay.
Các tác giả tham gia Cuộc thi bằng tranh vẽ với nội dung thể hiện là giá trị của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các danh lam thắng cảnh trên mọi vùng, miền của Việt Nam với phong cách thể hiện tự do. Tranh dự thi được vẽ bằng tất cả các chất liệu hội họa: sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu, màu nước, bút sắt, acrylic với các thể loại tranh đồ họa, các kỹ thuật in, khắc gồm: khắc gỗ, khắc cao su, khắc kim loại, in độc bản…
Ban Tổ chức, Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo, sinh trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên trường. Ảnh: VGP
Về giải thưởng, tổng giải thưởng cuộc thi lần thứ II lên tới gần 1 tỷ đồng với 30 giải, gồm: 1 giải xuất sắc 100 triệu đồng, 1 giải nhất 75 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 50 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 40 triệu đồng, 20 giải khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng. Đặc biệt, theo ông Tô Văn Động (Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi), để khuyến khích các tác giả trẻ tham gia và tạo sự lan tỏa lớn tới mọi đối tượng khán giản, cuộc thi năm nay có thêm 3 giải trẻ (độ tuổi từ 6 đến 22 tuổi), mỗi giải 30 triệu đồng. Ngoài ra, 70 tác phẩm lọt vào chung khảo mỗi tác phẩm được hỗ trợ 5 triệu đồng cùng giấy chứng nhận từ Ban tổ chức.
Cuộc thi được triển khai từ tháng 9/2024 đến 30/9/2025 và dự kiến trao giải vào tháng 11/2025. Các tác phẩm đoạt giải sẽ được lựa chọn để triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số địa chỉ văn hóa khác.
Diệp Anh