• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cựu chiến binh chiến thắng đói nghèo

(Chinhphu.vn) – Chiến tranh kết thúc, về với cuộc sống đời thường, người lính năm xưa đã trở thành những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế với quyết tâm chiến thắng đói nghèo.

22/12/2014 12:11

Cựu chiến binh Trần Quang Chiến bên xưởng sản xuất bánh đa nem - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Giờ đây, những chiếc bánh đa nem truyền thống ở xã Nguyên Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam) đã có mặt trong các siêu thị ở nhiều nước trên thế giới. Người làng vẫn rỉ tai nhau câu chuyện về cựu chiến binh Trần Quang Chiến - người có công lớn đưa sản phẩm làng nghề xuất ngoại.

“Xông pha” mở hướng đi mới

Năm 1971, chàng trai trẻ Trần Quang Chiến nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Sau đó, ông làm việc ở Sở Địa chính một thời gian. Gia cảnh khó khăn, năm 1980, ông xin về quê cùng gia đình làm kinh tế.

Làng ông vốn có nghề làm bánh đa nem truyền thống cả trăm năm nên khi về nhà, ông cùng vợ bắt tay vào làm nghề của ông cha truyền lại.

Ngày ấy, không riêng gia đình ông mà cả làng nghề đều bán hàng ở những chợ quê quanh vùng. Bởi vậy mà giá cả thất thường. Hai vợ chồng ông làm quần quật từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt mà đồng lãi chẳng được là bao.

“Bao đêm tôi trăn trở, thao thức tìm hướng đi mới cho làng nghề”, ông Chiến suy tính.

Nói là làm, người lính Cụ Hồ năm xưa đã có một quyết định táo bạo mà trước đó người dân trong làng nghề chưa ai dám làm: Đưa sản phẩm làng nghề ra bên ngoài.

Người làng hay thấy ông cầm vài túi bánh đa nem khi thì bắt ô tô khách, có khi lại lên tàu hỏa đi các tỉnh để giới thiệu sản phẩm làng nghề. Năm này qua năm khác, một mình ông xuôi ngược nhiều tỉnh để chào hàng. Dần dần, ông đã có được các mối hàng quen ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ. Làm ăn giữ chữ tín, ông đã tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình. Bạn hàng đến với ông ngày càng nhiều.

Năm 2006 đánh dấu bước ngoặt của ông trong chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ. Số là nhờ các mối làm ăn lâu năm giới thiệu, ông đã tìm được khách hàng nước ngoài. Từ đó, ông đưa những chiếc bánh đa nem truyền thống của ông cha vượt ra khỏi lũy tre làng "xuất ngoại". Thị trường tập trung chủ yếu là Liên bang Nga, các nước Đông Âu và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Gia đình ông liên tục mở rộng quy mô sản xuất mà không đủ hàng bán. Ông nhận bao tiêu sản phẩm bánh đa nem cho người dân trong làng nghề với giá hợp lý. Mỗi năm, gia đình ông thu mua hơn 200 tấn bánh đa nem cho bà con trong xã rồi đưa bán ở các tỉnh trong nước và xuất khẩu.

Hằng năm, ông đưa ra thị trường hơn 300 tấn bánh đa nem, trong đó có hơn 100 tấn bán ra nước ngoài. Tổng doanh thu của gia đình ông đạt khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm. Công ty của ông còn giải quyết việc làm cho 20 lao động.

Anh Trần Quang Nha, một người trong xã vui vẻ chia sẻ: “Mỗi năm, gia đình tôi bán cho ông Chiến hơn 8 tấn bánh đa nem. Ông ấy là người đầu tiên trong xã đưa sản phẩm làng nghề đi Tây”.

Với những thành tích nổi bật trên, ông được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen.

Thương binh Trần Văn Nghệ bên trang trại - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Kiến tiền tỷ từ đất hoang

Cũng “dám nghĩ dám làm” trên mặt trận kinh tế, thương binh nặng Trần Văn Nghệ ở xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, Hà Nam đã “bắt đất hoang nở hoa”. Người thương binh giàu nghị lực này đã trở thành điển hình kiểu mẫu làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Năm 1982, ông Nghệ lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Trong một trận đánh, ông bị thương nặng, mất một chân. Năm 1988, ông về quê và là thương binh nặng bị mất 81% sức khỏe.

Ngày mới về, gia cảnh túng thiếu, không có đất ở, ông cùng vợ xin chính quyền địa phương, rồi cả nhà dìu dắt nhau ra mảnh đất bồi bỏ hoang ven đê cách làng hơn 1 cây số lập nghiệp.

“Ngày đó, gian khổ không biết bao nhiêu mà kể. Khu này là đất hoang, đồng vốn lại ít ỏi, hai vợ chồng tôi đi lên từ đôi bàn tay trắng”, ông Nghệ nhớ lại.

Khởi nghiệp bằng... một lò gạch, ông làm gạch bán cho người dân trong xã. Mới đầu vốn nhỏ, không đủ tiền thuê người làm, hai vợ chồng ông tự làm mọi việc. Từ sáng tinh mơ, ông cùng vợ đánh vật với đống đất đến tối mịt. Dần dà, vợ chồng ông cũng có của ăn của để. Chính nhờ làm việc chăm chỉ, chịu khó, gia đình ông đã chiến thắng đói nghèo. Có thêm vốn, ông thuê thêm người làm, xây thêm nhiều lò gạch.

Khi có lệnh cấm đốt gạch thủ công, ông đã mạnh dạn phá bỏ lò gạch chuyển sang làm kinh tế trang trại. Ông dùng toàn bộ số vốn tích cóp đầu tư cải tạo vùng đất làm gạch cũ để xây dựng chuồng trại nuôi lợn và đào ao thả cá. Đó là thời điểm năm 2011.

Một lần nữa, người thương binh nặng lại phải bắt đầu lại từ đầu: “Lúc mới làm chưa biết nhiều về chăn nuôi, tôi đi học hỏi khắp nơi, rồi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Giờ thì ổn rồi”, ông Nghệ kể.

Khu đất bồi hoang ngày nào đã trở thành trang trại bề thế rộng 2 ha. Mỗi lứa, ông nuôi hơn một nghìn con lợn thương phẩm. Tổng thu hằng năm vài tỷ đồng, trừ chi phí ông lãi hơn 500 triệu đồng.

Dù trên đầu tóc đã bắt đầu bạc, nhưng ông Nghệ vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Ông vẫn còn hăng hái lao động. “Cùng với trang trại nuôi lợn và thả cá, tôi dự định chăn nuôi bò sữa để phát triển kinh tế hơn nữa”, ông Nghệ nói.

Ông đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Nguyễn Thắng