Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cửu đỉnh được đúc dưới thời vua Minh Mạng (đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ miếu (Hoàng thành Huế) với ý tưởng thể hiện sự chính thống, trường tồn của triều đại. Cửu đỉnh gắn liền với số 9 - được coi là con số linh thiêng, may mắn trong văn hóa phương Đông.
Theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, vua Minh Mạng từng ban dụ cho nội các rằng: "Ðỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Từ xưa, các minh vương đời tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm. Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh đặt ở nhà Thế miếu, để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc".
Cửu đỉnh bao gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Đỉnh hình bầu tròn, hai quai hình vuông và hình tròn, 3 chân. Trên miệng mỗi đỉnh khắc 2 dòng chữ Hán, ghi niên đại đúc và trọng lượng của đỉnh.
Các hình ảnh được lựa chọn để thể hiện trên 9 chiếc đỉnh cũng có thể coi là một bộ bách khoa toàn thư sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ. Các địa danh có những ngọn núi mang ý nghĩa đặc biệt đối với triều Nguyễn: Núi Thiên Tôn, sông Hương, núi Ngự, đại diện của miền Trung, đại diện cho vùng đất do tổ tiên nhà Nguyễn mở mang bờ cõi ở phương Nam và cũng là nơi Nguyễn Ánh dấy nghiệp; các con kênh đào, công trình thủy lợi có ý nghĩa thiết thực được thực hiện dưới thời Nguyễn; hình ảnh của các loài cây, con và sản vật các miền đất nước, các loài chim thú; các loài cây lấy gỗ hoặc cây ăn quả. Tất cả được lựa chọn để làm đại diện cho sự phồn thịnh của tài nguyên đất nước. Trên Cửu đỉnh còn có các đại diện của nền kỹ thuật quân sự, các cửa ải quan yếu, các cửa biển của đất nước.
Cụ thể, Cao đỉnh khắc các hình: Mặt trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chử, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, hổ, ba ba, rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn.
Nhân đỉnh khắc các hình: Mặt trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phả Lợi, chim công, báo, đồi mồi, cá voi, hoa sen, quả nam trân, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa.
Chương đỉnh khắc các hình: 5 sao, biển Tây, núi Thương Sơn, sông Linh Giang, sông Lợi Nông, gà, tê, rùa, cá sấu, hoa nhài, quả xoài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông, súng điểu thương.
Anh đỉnh khắc các hình: Sao Bắc đẩu, sông Ngân Hán, núi Hồng Sơn, sông Mã, sông Lô, hạc, ngựa, ve, rắn, hoa văn côi, cây cau, cây dâu, cây tô hợp, cây thị, cây nghệ, lá cờ, đàn bươm bướm.
Nghị đỉnh khắc các hình: Sao Nam đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, voi, bươm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền Hải đạo, súng trường.
Thuần đỉnh khắc các hình: Gió, cửa biển Cần Giờ, núi Tản Viên, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, chim hoàng oanh, bò lang, trai, cá rô, hoa quỳ, cây đào, cây đậu vàng, cây túc sa, cây gỗ táu, cây hương nhu, cái thuyền, bài đao.
Tuyên đỉnh khắc các hình: Mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam Giang, sông Nhị Hà, chim yểng, lợn, giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ.
Dụ đỉnh khắc các hình: Sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, sông Vĩnh Điện, vẹt, dê, con hến, cá lành canh, hoa dâm bụt, quả lê, đậu trắng, lá dầu, cây thông, cây tử tô, thuyền ô, dao phác.
Huyền đỉnh khắc các hình: Mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, ngựa, cà cuống, trăn, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái.
Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán-Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy các vị vua triều Nguyễn một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.
Nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Ngày 1/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 9 chiếc đỉnh thời Nguyễn là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426 /QĐ-TTg. Ngày nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn trước sân Thế miếu. Cửu đỉnh không chỉ thể hiện quyền uy và sự vững mạnh của triều Nguyễn, mà mỗi đỉnh còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo của người xưa.
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm cho biết, Cửu đỉnh là di sản quý giá, là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa-giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, cũng như nghệ thuật đúc đồng tài hoa của người Việt. Cửu đỉnh còn là biểu tượng của sự thống nhất và trường tồn của triều đại. Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ nhiều giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.
Với những giá trị độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, đặc biệt là các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á, hồ sơ "Những bản đúc nổi trên chính đỉnh đồng Hoàng cung Huế" đã được ghi danh là Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 8/5/2024 tại kỳ họp thứ 10 diễn ra ở Ulan Bator (Mông Cổ) khi được toàn thể đại biểu của 23 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu thông qua.
PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), Chủ tịch Ủy ban quốc gia MOW của Việt Nam đánh giá, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng. Việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản được UNESCO ghi danh sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Cục trưởng cũng chia sẻ, đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ VHTT&DL kiến nghị hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng bày tỏ, đây là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam.
Việc hồ sơ lần này được ghi danh đã nâng tổng số các danh hiệu, di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu của "Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030". Đây là sự ghi nhận, tin tưởng mà các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu.
Việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ góp phần giúp địa phương tiếp tục tham gia và mở rộng sự kết nối, trao đổi các kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu trong khu vực.
Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đại diện địa phương, gửi lời cảm ơn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia MOW Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là TS. Vũ Thị Minh Hương, Thành viên Hội đồng Tư vấn của UNESCO Chương trình Ký ức thế giới, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian qua, đã nhiệt tình đóng góp và tư vấn cho địa phương trong công tác xây dựng và ghi danh thành công hồ sơ này.
Diệp Anh