Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, sáng 11/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc cơ quan Nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan này không được phép từ chối, hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới xử lý hồ sơ.
Đồng thời, quy định về các tiêu chuẩn cụ thể về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký để người dân, cơ quan Nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý, như kỷ luật, truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động với các cơ quan, tổ chức.
Về quy định giải quyết tranh chấp, đại biểu cho rằng, các quy định còn quá chung chung. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm các hình thức xử lý hành vi vi phạm, quy định cụ thể từng trường hợp, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp được quyết định theo luật nào, để đảm bảo tính minh bạch của dự án Luật, áp dụng dễ dàng khi Luật được ban hành.
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có quy định về các hành vi bị cấm, như làm làm lộ, lọt thông tin của cá nhân trong giao dịch điện tử.
Đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh, trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan.
Cụ thể là tranh chấp trong sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, một số thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử.
Đại biểu nêu rõ, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hướng tới 2 mục tiêu, đó là tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi chuyển đổi số của đất nước.
Với 2 mục tiêu trên, vấn đề đặt ra liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử hay không?
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn thực hiện giao dịch điện tử như thế nào với nhóm dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai được ở mức 3, mức 4.
Hải Liên