Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, cho biết trên địa bàn TP. Đà Nẵng, số lượng nhân lực công nghệ thông tin ước tính đến cuối năm 2023 trên 52.000 người, chiếm khoảng 8,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố (trung bình toàn quốc là 3,7%).
Trong đó có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, chiếm 45% trong tổng số lao động công nghệ thông tin (trung bình toàn quốc khoảng 15%).
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 tỉ lệ trung bình cả nước). Đáng chú ý, Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư.
Ông Thanh cũng chia sẻ mục tiêu của Đà Nẵng là đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói sẽ sớm đạt được và đáp ứng nhu cầu nhân lực bán dẫn trong và ngoài nước đến năm 2030.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, cho biết đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong 3 trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Thành phố cho biết sẽ tận dụng nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có 1-2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Trao đổi cùng Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), cho biết, để có nguồn nhân lực chất lượng cần xây dựng các mô hình "đào tạo đặt hàng" cho doanh nghiệp hay triển khai dự án doanh nghiệp tại trường. Về lâu dài cần có chính sách giữ chân những nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương như chính sách học bổng, miễn giảm học phí,…
Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, đặc biệt là phải tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, xây dựng các mô hình đào tạo đặt hàng cho doanh nghiệp, thực tập, triển khai dự án doanh nghiệp tại trường, nghiên cứu bài toán thực tế.
"Nhà trường, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm và cam kết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, trách nhiệm của trường đại học trong việc đào tạo chất lượng", PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho hay.
Là đối tác tư vấn chiến lược phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn của TP. Đà Nẵng, theo ông Adrian Ng Siong Teck, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Synopsys khu vực Nam Á và Việt Nam, điều quan trọng để có nguồn nhân lực chất lượng cao là xây dựng chương trình đào tạo. Nhà trường cần giới thiệu sinh viên đến các công ty để các em có thêm trải nghiệm thực tế.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Việt, Giám đốc Trung tâm R&D, Công ty Infineon đại diện cho công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, cho rằng giai đoạn từ một kỹ sư điện tử đến một kỹ sư trong một lĩnh vực cụ thể của ngành vi mạch bán dẫn là khoảng cách mà các trường đại học vẫn chưa thể đáp ứng được.
"Các trường đại học nên bù đắp khoảng cách đó bằng hình thức đào tạo bổ sung. Về lâu dài, sinh viên trước khi ra trường nên tham gia khóa học như vậy, giúp rút ngắn quá trình đào tạo ban đầu, góp phần "xóa" rào cản đối những công ty đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ của nhà nước về việc tạo động lực cho những người có kinh nghiệm, chuyên gia có thể về TP. Đà Nẵng xây dựng đội ngũ nòng cốt ban đầu", ông Vũ Duy Việt cho hay.
Minh Trang