Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại TP. Đà Nẵng, trước tình hình bão NORU đang tiến vào Biển Đông với cấp độ mạnh, chính quyền, các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó cao nhất trước khi bão đổ bộ.
Bộ đội biên phòng hỗ trợ tàu thuyền vào nơi tránh trú
Ghi nhận sáng ngày 25/9, tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng dùng ca nô chuyên dụng đi tuyên truyền, yêu cầu các chủ tàu bán dầu về nơi neo đậu an toàn. Bộ đội Biên phòng vừa kêu gọi từng chủ tàu cá vào nơi neo đậu, tranh thủ bán hải sản rồi sắp xếp nơi tránh trú an toàn, vừa hướng dẫn tàu cá neo đậu, giằng néo, tránh va đập khi bão Noru đổ bộ.
Đại tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng cho biết, Bội đội Biên phòng TP. Đà Nẵng đã kiểm đếm được hơn 1.200 tàu cá vào neo đậu tại cảng cá. Hiện, đang giữ liên lạc với 83 tàu cá với gần 500 lao động đang hoạt động trên biển; chủ yếu là khu vực Bắc Biển Đông-Hoàng Sa với 61 phương tiện.
Toàn bộ chủ tàu cá đã nhận được thông tin về hướng di chuyển, cường độ bão để chủ động di chuyển trú tránh. Trong đất liền, lực lượng biên phòng thành tăng cường tuần tra, hỗ trợ tàu cá neo đậu, chằng néo đảm bảo khoảng cách và an toàn khi bão đổ bộ.
Là địa phương nằm sát biển, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho hay sáng nay, UBND phường đã họp toàn bộ khu dân cư, tổ dân phố và toàn bộ các lực lượng để chỉ đạo, phân công từng cán bộ công chức, lực lượng cán bộ để hỗ trợ chằng chống nhà cửa. Gần 400 tàu thuyền của ngư dân sống trên địa bàn phương đã về neo đậu an toàn tại cảng cá và âu thuyền Thọ Quang.
Tại các khu, điểm dân cư tạm bợ, lãnh đạo TP. Đà Nẵng yêu cầu các ban ngành hữu quan cần chung tay tham gia phòng, chống bão, vận động toàn bộ người dân đi sơ tán, tránh trú bão an toàn tại các điểm tập trung như trường học kiên cố… tuyệt đối không ở lại nhà tạm trong khi bão đổ bộ.
Đến nay, công tác sẵn sàng ứng phó bão NORU đã cơ bản được thực hiện tại tất cả các địa phương trên địa bàn nhằm an toàn cao nhất cho tính mạng và tài sản của người dân. Cùng với đó, công tác quán triệt và tuyên truyền 100% tổ dân phố gấp rút thực hiện các hoạt động chằng, chống nhà cửa đã được các địa phương phổ biến tại buổi họp khẩn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trước, trong và sau bão.
Tạm dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng, chống bão
Sáng 25/9, TP. Đà Nẵng đã ban hành Công điện số 02 về việc ứng phó với bão NORU. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, khẩn trương chuẩn bị để phòng, chống và sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ, trong đó tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão.
UBND các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân trong thiên tai, nhất là tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố…
Các lực lượng của địa phương phối hợp với quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết. Khuyến cáo người dân thu hoạch nông sản để hạn chế thiệt hại.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố tiếp tục thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Sở Công Thương có phương án chuẩn bị lương thực, nước uống, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm; phối hợp với các quận, huyện có phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại những trung tâm mua bán, siêu thị, chợ.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Lưu Hương