Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hiện nay, Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh) đã hình thành một vườn rau xanh ngay trong khuôn viên nhà máy. Vườn rau ra đời từ ý tưởng muốn tận dụng nguồn nước thải, phế phẩm trong quá trình sản xuất bia.
Ông Đậu Minh Công, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết toàn bộ quy trình chăm sóc vườn rau đều là phương pháp hữu cơ. Bùn thải, nước thải sau quá trình sản xuất sẽ được xử lý lại để có thể dùng cho tưới tiêu theo tiêu chuẩn trồng rau sạch. Đây cũng là một trong những hoạt động của Công ty trong thúc đẩy sản xuất kinh tế tuần hoàn. Sau quá trình trồng thử nghiệm 100 m2, nhận thấy mô hình phát huy hiệu quả, vườn rau đã mở rộng ra 500 m2 và tương lai sẽ phát triển các khu vườn ươm, cây giống.
"Đây cũng là một trong những mô hình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Công ty chúng tôi. Vườn rau đã tận dụng được nguồn nước thải trong sản xuất và nhờ đó đã giúp nâng cao chất lượng bữa ăn của công nhân viên. Vườn rau cung cấp trung bình 20 kg rau củ quả các loại phục vụ bữa ăn cho 150 cán bộ, nhân viên", ông Đậu Minh Công cho hay.
Còn Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam (KCN Hòa Khánh) đã xây dựng quỹ hỗ trợ công nhân, người lao động mà nguồn vốn của quỹ có được từ chính hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa của người lao động.
Ông Đỗ Danh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết đơn vị có hơn 3.500 người lao động, mỗi ngày có hàng nghìn vỏ lon thải bỏ ra môi trường sau khi người lao động sử dụng nước uống đóng chai (chai nhựa) trong quá trình làm việc. Từ thực tế đó, đơn vị đã có ý tưởng thu gom các chai nhựa, vận động người lao động phân loại rác tại công ty cũng như ở gia đình.
"Chúng tôi đã đặt các điểm thu gom chai lọ nhựa ở nhiều vị trí, cử người thu gom và bán. Số tiền bán được sẽ dùng để hỗ trợ đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn", ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, ý nghĩa lớn nhất của hành động này chính là hình thành cho người lao động ý thức, văn hóa, lối sống xanh hơn, bảo vệ môi trường. Ngoài hoạt động thu gom hằng ngày, mỗi tháng, Công ty còn phát động một ngày Chủ nhật xanh để người lao động thu gom rác thải nhựa đưa lên công ty để bán và gây quỹ.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết ở nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu thô, bán, sử dụng (tiêu dùng) và sau đó hầu hết được thải bỏ. Nhiều sản phẩm tiêu dùng không được sử dụng hết vòng đời của chúng và một số được mua chỉ để sử dụng một lần đã gây áp lực lên môi trường.
Đánh giá hiện trạng và phân tích các cơ hội, thách thức để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng cho thấy việc chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Thành phố là cần thiết. Từ đó, Đà Nẵng triển khai nghiên cứu xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng cho biết Thành phố hiện có 6 KCN (1.066,52 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 90%), Khu công nghệ cao Đà Nẵng (1.128,4 ha) và đang đầu tư KCN hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng (58,53 ha) và 3 KCN mới đang kêu gọi đầu tư. Trong giai đoạn 2015-2019, KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) đã được lựa chọn để thí điểm xây dựng KCN sinh thái.
Trong giai đoạn 2015 - 2019, Đà Nẵng đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 29 doanh nghiệp. Các chuyên gia của dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn. Trong đó, 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14.000 tỷ đồng/năm, giảm hơn 50.000 m3 nước thải, 7.000 tấn CO2 và 2.700 tấn chất thải rắn/năm.
Theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2-3 KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia.
Từ sau năm 2030, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, mục tiêu đến cuối năm 2045, Đà Nẵng cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.
Minh Trang