Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Chỉ thị 41/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2025 là thời hạn cuối các thành phố trực thuộc Trung ương phải giảm tỉ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%. Thế nhưng đến giữa năm 2024, Đà Nẵng vẫn đang xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp trực tiếp là chính, nguy cơ phát sinh ô nhiễm là rất lớn.
Hiện nay bình quân mỗi ngày Đà Nẵng xử lý khoảng 1.180 tấn rác thải. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 lượng rác trung bình mà Đà Nẵng phải giải quyết là 2.076 tấn/ngày.
Để giải quyết bài toán xử lý rác thải theo yêu cầu của Chỉ thị 41, Đà Nẵng cần phải xây dựng các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại. Thế nhưng, đến nay, các nhà máy này vẫn đang... ở giai đoạn nghiên cứu đầu tư.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Võ Nguyên Chương, Đà Nẵng có kế hoạch đầu tư 2 nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại thay thế dần công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Khi 2 nhà máy xử lý chất thải này đi vào hoạt động sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải của Thành phố. Đó là nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm (theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp dự kiến đi vào hoạt động vào quý III/2026) và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố 1.000 tấn/ngày đêm.
Đối với nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm, đến nay chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 3 vào ngày 18/9/2023; đã thực hiện các bước đầu tư theo quy định của pháp luật, như lấy ý kiến về công nghệ, điều chỉnh quy hoạch, thiết kế cơ sở về PCCC…
Còn nhà máy xử lý rác thải công suất 1.000 tấn/ngày đêm được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư. Tháng 7/2024, Hội đồng thẩm định dự án do Sở KH&ĐT chủ trì đã có văn bản thông báo không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện nay UBND Thành phố tiếp tục giao cho Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành làm rõ các yếu tố pháp lý của dự án để có bước triển khai tiếp theo.
Với lượng rác thải lớn như nêu trên, cộng với việc 2 nhà máy xử lý rác thải công nghệ hiện đại chưa biết bao giờ mới đi vào hoạt động, để giảm áp lực từ việc xử lý chất thải, nhất là chất thải rắn, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2019, Thành phố đã ban hành quyết định triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn đến năm 2025.
Phương thức triển khai phân loại rác thải tại nguồn tập trung vào 3 nhóm, trong đó có nhóm CTRSH có thể tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại thải các loại), chiếm tỉ lệ từ 10-25% trong tổng thành phần CTRSH của Thành phố.
Qua 5 năm triển khai, hiện nay tất cả các phường, xã đã thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Cụ thể: 96,63% tổ dân phố thực hiện phân loại; 93,45% số hộ gia đình thực hiện phân loại; 91,83% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại.
Với tỉ lệ số hộ gia đình triển khai phân loại tại nguồn đối với nhóm CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế đạt trên 93%, tương đương 15-20% CTRSH trên địa bàn được tái chế tái sử dụng, sẽ góp phần giảm chất thải đi chôn lấp.
Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn, vệ sinh công cộng, Đà Nẵng đã đầu tư kiện toàn hạ tầng các trạm trung chuyển tập trung với công nghệ hiện đại.
Hiện nay Thành phố đã tổ chức xây dựng và đưa vào vận hành 2 trạm/4 trạm trung chuyển CTRSH; đã tổ chức đánh giá hiệu quả các trạm và xem xét mở rộng các trạm này, cùng với dự án cải tạo các điểm tập kết sạch đẹp, văn minh…
Lưu Hương