Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Đó là những mục tiêu đã được nêu cụ thể trong Chương trình hành động số 01-Ctr/TU của Thành ủy Đà Nẵng ngày 10/12/2020.
Theo thống kê của Sở Công thương TP. Đà Nẵng, đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng những năm gần đây đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp hỗ trợ đóng góp ngày càng cao trong giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo thành phố.
Từ 2016 đến nay, Đà Nẵng thu hút được 24 dự án Công nghiệp hỗ trợ mới, với tổng vốn đăng ký đạt 9.040 tỷ đồng; trong đó có 2 dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện hàng không, linh kiện ô tô với tổng vốn đăng ký đầu tư là 240 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng hiện có khoảng 110 doanh nghiệp, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp toàn thành phố.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn ít, đa số có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình, năng lực hấp thu công nghệ mới còn hạn chế. Doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động gia công, lắp ráp với nguồn nguyên phụ liệu phần lớn là nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Nói về ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng, ông Trần Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Long Hậu (doanh nghiệp đang sở hữu hệ thống nhà xưởng cho thuê trong Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng) nhận định: “Hiện nay các doanh nghiệp công nghệ cao, có quy mô lớn cần sử dụng nhiều chi tiết, tổ hợp sản phẩm, cần nhiều nhà cung cấp linh kiện, phụ trợ. Để đảm bảo việc cung ứng được diễn ra liên tục, những nhà cung cấp này phải đặt cơ sở ở gần, không quá 30 phút di chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên, trong số các nhà cung ứng tại Đà Nẵng, có nhiều nhà cung cấp chưa đạt tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoặc nhà sản xuất phụ trợ công nghệ cao như các quy định hiện hành của Việt Nam hiện nay. Từ thực tế đó, tôi kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng sớm hoàn thiện việc quy hoạch và đưa Khu công nghiệp phụ trợ Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng vào hoạt động để có thêm diện tích, thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ đủ tiềm lực”.
Theo Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp TP. Đà Nẵng Phạm Trường Sơn, UBND thành phố đã hoàn thành "Quy hoạch Khu công nghiệp phụ trợ Khu công nghệ cao", hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ lập đề án các ngành nghề thu hút đầu tư, ra quyết định thành lập khu công nghiệp này và chính thức xúc tiến đầu tư. Khi được hình thành, đây là sẽ khu công nghiệp đầu tiên tại Đà Nẵng chuyên về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp đầu tư vào đây sẽ kết hợp cùng các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao để tạo thành một hệ sinh thái tương hỗ lẫn nhau.
"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chia sẻ rằng trước khi quyết định đầu tư vào địa phương nào, họ sẽ tìm hiểu về ngành công nghiệp hỗ trợ quanh khu vực đó. Vì vậy nếu Đà Nẵng phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì sẽ đồng thời thu hút đầu tư cho cả những tỉnh lân cận. Trong Nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định Đà Nẵng phải là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, còn chiến lược của TP. Đà Nẵng là sẽ phát triển và lan tỏa những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin... Muốn vậy, Đà Nẵng cần tận dụng triệt để những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.", ông Phạm Trường Sơn cho biết.
Theo quy hoạch đang được UBND TP. Đà Nẵng trình Chính phủ phê duyệt, khu công nghiệp phụ trợ Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng có diện tích hơn 102 ha, tiếp giáp với khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung, đặt tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Trước khi được quy hoạch tách ra thành một khu công nghiệp riêng, từ năm 2016 khu đất này vốn được UBND thành phố quy hoạch là một khu phụ trợ thuộc Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng.
Trước đó, tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã nêu mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, tập trung vào các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành công nghiệp ưu tiên; thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Mục tiêu cụ thể được Thành ủy Đà Nẵng đưa ra là phấn đấu đến năm 2025 có trên 150 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; trong đó, có ít nhất 10% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Phấn đấu đến năm 2030, thành phố có trên 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ít nhất 15% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trên mỗi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh./.
Theo TTXVN