Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2022, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,7 triệu lượt khách, đạt 3,7 triệu lượt khách, tăng 3,1 lần so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 483.000 lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2021; khách nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 3 lần so với năm 2021.
Tổng doanh thu từ hoạt động ăn uống, lưu trú, lữ hành ước đạt 21.300 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2021 và phục hồi bằng tương đương năm 2019 (21.390 tỷ đồng).
Năm qua, nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn, quy mô và các sản phẩm dịch vụ du lịch mới được liên tục tổ chức đã góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng. Lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đã tăng lên nhanh chóng, kể từ cuối quý I/2022, nhiều khu, điểm đã đón được lượng khách lớn; công suất buồng phòng bình quân vào cuối tuần đạt 70-75%.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, du lịch Thành phố đã có nhiều khởi sắc tươi sáng, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đồng thời kích thích lan tỏa phục hồi, phát triển các ngành kinh tế khác.
Thực hiện chủ đề năm 2023 của Đà Nẵng "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội", ngành du lịch đặt ra mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn chất lượng cao, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị hiếu thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến; phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15-20% so với năm 2022.
Thành phố xác định tập trung phát triển thị trường nội địa, ưu tiên thị trường Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc, TPHCM, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; phát triển phân khúc thị trường du lịch MICE và du lịch học đường.
Khôi phục lại và đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống, từng bước thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch tại khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) và khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia), Ấn Độ; tập trung phân khúc khách có khả năng chi trả cao, khách hàng không.
Về giải pháp khôi phục và phát triển các thị trường khách quốc tế, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, cần đánh giá tiềm năng và tập trung khôi phục thị trường trọng điểm đã có các chính sách mở cửa, như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, châu Âu, Trung Quốc… theo lộ trình phù hợp; mở thêm các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, tăng tần suất bay từ các khu vực đang có tín hiệu khách tốt; rà soát thị trường khách tàu biển, khách đường bộ để có kế hoạch thu hút khách.
Cũng theo ông Cao Trí Dũng, Đà Nẵng cần xây dựng các nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá văn hóa, ẩm thực, sự kiện lễ hội kèm chính sách kích cầu phù hợp với từng thị trường khách; tập trung tiếp cận nhóm khách sự kiện, hội nghị, MICE từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách hạng sang… Đối với công tác quản lý nhà nước, cần đề xuất chính sách visa, tạo điều kiện cho du khách xuất nhập cảnh.
"Năm 2023, xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế Thành phố. Để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tiếp tục triển khai các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch, nhất là khôi phục và phát triển các thị trường khách quốc tế, khôi phục nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng dịch vụ và phục vụ, chú trọng kỹ năng, thái độ phục vụ khách. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường du lịch xanh sạch đẹp, an ninh an toàn điểm đến, an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao nhận thức cộng đồng để giữ gìn thương hiệu điểm đến Đà Nẵng đặc sắc, an toàn và mến khách", Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay.
Lưu Hương