Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 14/11, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức diễn đàn "Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP. Đà Nẵng".
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.
Và mới đây nhất Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; trong đó, việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng (khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật) nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của TP. Đà Nẵng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường, chính sách đặc thù này áp dụng cho TP. Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung.
Với chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo các cấp, các sở, ban, ngành hiện đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024 sớm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để tận dụng hiệu quả thời gian thí điểm của chính sách.
"Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn", ông Trần Chí Cường cho hay.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Đóng góp ý kiến để phát triển khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, TS. Trần Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi, và các trung tâm phân phối tiên tiến.
"Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do. Kinh nghiệm từ Singapore, với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại, quản lý bằng công nghệ số hóa, đã đưa quốc gia này thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực", TS. Trần Hồng Minh nói.
Theo TS. Trần Hồng Minh, đối với Đà Nẵng, các cảng Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Song song đó, phát triển các trung tâm logistics nội địa sẽ góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Đà Nẵng cũng cần đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khu thương mại tự do, thông qua việc xây dựng trung tâm đào tạo chuyên biệt, dành riêng cho các ngành công nghệ cao, logistics, và tài chính ngay trong khu vực thương mại tự do, trung tâm này sẽ cung cấp cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại để hỗ trợ đào tạo kỹ năng chuyên ngành.
Minh Trang