Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 10/10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với TP. Đà Nẵng".
Ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng đóng góp 19,76% GRDP của Thành phố. Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân), đứng thứ 2 toàn quốc (sau Thành phố Hồ Chí Minh); có 46.000 nhân lực công nghệ số.
Các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố đã hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp và hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên.
Vừa qua, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch; xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP Thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu CNTT, công viên phần mềm.
Trao đổi về giải pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng Đà Nẵng có thể phát triển nguồn nhân lực bán dẫn có năng lực cao bằng nhiều cách. Trong đó, Thành phố có thể hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để triển khai các khóa học; thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc; xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến.
Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố có thể thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng để trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng bằng cách làm trọn vẹn quy trình: Thiết kế, sản xuất, đóng gói, kinh doanh.
"FPT sẵn sàng đồng hành cùng Đà Nẵng để nâng cao chất lượng nhân sự ngành bán dẫn bằng cách đưa nhân lực vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng ra nước ngoài làm việc; xúc tiến hợp tác, kêu gọi các đối tác của FPT trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn về đầu tư tại Đà Nẵng, tạo "bệ phóng" cho nhân sự trẻ Đà Nẵng tham gia vào sản xuất bán dẫn. FPT cam kết góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng), Thành phố cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, điển hình như xây dựng đề án tài trợ học phí cho sinh viên có hộ khẩu TP. Đà Nẵng, hỗ trợ chi phí chỗ ở cho sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực CNTT, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ vi mạch, bán dẫn; xây dựng quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ khoa học, quỹ khởi nghiệp về vi mạch từ nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp và Thành phố về các lĩnh vực này.
Ngoài ra, thường xuyên tạo diễn đàn hỗ trợ kết nối nhà trường – doanh nghiệp, hỗ trợ đưa doanh nghiệp đến gần hơn với công tác đào tạo của các trường; tạo điều kiện cho các trường đại học tham gia sâu hơn, thường xuyên hơn trong các diễn đàn có liên quan của Thành phố.
Kết luận Hội thảo, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị nhanh chóng xây dựng "Đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn". Trước mắt, cần thành lập tổ công tác và tư vấn liên ngành với sự tham gia của các sở, ngành và một số chuyên gia, có thể mời chuyên gia nước ngoài để tham mưu xây dựng đề án và tham mưu cho lãnh đạo Thành phố chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả.
UBND đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp vi mạch bán dẫn trên địa bàn để trình HĐND Thành phố trong kỳ họp tới. Trong đó, nghiên cứu cơ chế thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm với các hình thức thu hút làm việc ngắn hạn, dài hạn, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo tại Thành phố….
Đề xuất chính sách hỗ trợ ban đầu để thu hút phát triển và lan tỏa việc nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho thiết kế chip bán dẫn và đóng gói, kiểm thử; nghiên cứu, bổ sung thêm lĩnh vực vi mạch, bán dẫn vào lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển thành phố để có nguồn lực cho đào tạo nhân lực và đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, đưa nội dung vi mạch, bán dẫn vào chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế năm 2024; tập trung thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn, đóng gói và kiểm thử khi đầu tư vào Đà Nẵng. Trước mắt, đề nghị Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng rà soát quy hoạch, phát huy tối đa các chức năng của Khu công nghệ cao để triển khai thu hút đào tạo, nhân lực thiết kế vi mạch và bán dẫn; tạo các điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử như hình thành kho ngoại quan.
"Cần phát huy và tăng cường liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - nhà khoa học, đặc biệt là sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực và tham mưu đề xuất các chính sách đối với ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn. UBND Thành phố sớm ký kết hợp tác với doanh nghiệp để cụ thể hóa cam kết đồng hành của doanh nghiệp và Thành phố trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Minh Trang