Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 25/10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo quý III. Tại đây, nhiều vấn đề nóng của Thành phố đã được nêu lên, trong đó có vấn đề tiến độ chậm trễ của các dự án và doanh nghiệp nợ bảo hiểm của người lao động.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, giai đoạn trước đây, khu vực ven biển của Thành phố triển khai nhiều dự án, nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Theo ông Phùng Phú Phong, tại thời điểm 2019-2020, dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng đã khiến cho việc triển khai các thủ tục thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn; kinh tế và dịch vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, Đà Nẵng đã dần khôi phục lại hoạt động du lịch. Các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định. Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương kiểm tra việc đưa đất vào sử dụng, tiến độ sử dụng đất đối với các dự án, khu đất tại Thành phố.
Sắp tới, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cũng như các ngành liên quan sẽ phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác chuẩn bị đầu tư, như điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có), điều chỉnh quy hoạch, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng… để sớm triển khai xây dựng công trình, hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng.
Triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, thời gian qua, UBND Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản và lồng ghép trong các nhiệm vụ, giải pháp triển khai chủ đề năm 2023 của Đà Nẵng là "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội".
Trong đó, về nhóm vấn đề vướng mắc về quy hoạch, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2021-2030, Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030; đang tập trung lập, thẩm định 9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị để phê duyệt trong năm 2023, trong đó, ưu tiên thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông trong tháng 10/2023.
Đối với nhóm vấn đề về phát triển nhà ở xã hội, Đà Nẵng tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Trong năm 2023, đã hoàn thành 1 dự án 1 (1.275 căn), đang triển khai 6 dự án 2 (3.814 căn), đang thủ tục đầu tư để kêu gọi đầu tư 4 dự án 3 (3.451 căn), giới thiệu để Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở (460 căn).
UBND TP. Đà Nẵng đã công bố Danh mục các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Hiện nay, UBND Thành phố đang tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quá trình điều chỉnh quy hoạch phân khu để tiếp tục kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, BHXH TP. Đà Nẵng cho biết, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tính đến hết tháng 9/2023 là hơn 221 tỷ đồng, chưa tính lãi chậm đóng hơn 64 tỷ đồng.
Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng Nguyễn Văn Tiết cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Bên cạnh khó khăn khách quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19, còn do ý thức chấp hành pháp luật của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, cam kết bằng văn bản, được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần vẫn tái diễn. Điển hình như Chi nhánh II - Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Empire Hospitality, Công ty cỏ phần Cơ khí-lắp máy Sông Đà chi nhánh 5 tại Đà Nẵng.
Để giải quyết vấn đề chậm đóng BHXH, trên cơ sở Công văn số 3012-CV/TU ngày 30/3/2023 của Thành uỷ Đà Nẵng về tăng cường công tác phát triển người tham gia và giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, ông Nguyễn Văn Tiết cho biết, BHXH Thành phố xác định việc tăng cường công tác quản lý thu, giảm tiền chậm đóng là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó hằng tháng, gửi công văn thông báo, điện thoại, cử chuyên quản làm việc trực tiếp, đôn đốc, yêu cầu đơn vị trích nộp theo quy định.
Đẩy mạnh triển khai hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành của Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ thành phố đến quận, huyện. Công khai danh sách các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN số tiền lớn, kéo dài trên Cổng TTĐT Thành phố, BHXH Thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng cường công tác truyền thông về tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN gắn với giải quyết các chế độ, chính sách liên quan và tiện ích khi người lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, chậm đóng và kiên quyết xử lý nghiêm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Tăng cường công tác theo dõi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức khấu trừ tiền gửi của tổ chức vi phạm. Thực hiện mở thủ tục phá sản đối với các đơn vị có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN lớn, thời gian kéo dài.
Minh Trang