Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thành lập 2 Tổ triển khai Đề án
UBND TP. Đà Nẵng vừa quyết định thành lập 2 Tổ triển khai Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng" gồm Tổ công tác và Tổ tư vấn.
Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm Tổ trưởng. Tổ sẽ thực hiện nghiên cứu, xây dựng và điều phối tổ chức triển khai Đề án; tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển vi mạch, bán dẫn trên địa bàn; đề xuất chính sách để thu hút đầu tư, nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành chip bán dẫn và vi mạch; nghiên cứu cơ chế thu hút chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn về Đà Nẵng để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm bằng nhiều hình thức như hợp tác đầu tư, làm việc, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo tại thành phố…
Tổ tư vấn do Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam làm Tổ trưởng. Tổ sẽ thực hiện tư vấn, phản biện, góp ý về nội dung Đề án và các chính sách liên quan để phát triển vi mạch, bán dẫn. Tổ Tư vấn có nhiệm vụ giúp UBND góp ý kiến tư vấn, phản biện về nội dung Đề án và các chủ trương, chính sách liên quan để phát triển ngành chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn.
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực bắt kịp xu hướng
Để bắt kịp với xu hướng phát triển mới, nhiều trường đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang nâng cao chất lượng đào tạo các ngành công nghệ số.
Ông Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) cho hay, xác định vi mạch bán dẫn là một ngành đào tạo mới, cần chuẩn bị sớm về nguồn nhân lực, trường đã đưa vào nội dung đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn cho các ngành liên quan như thiết kế mạch điện tử, vi xử lý; xây dựng Lab thiết kế vi mạch; tăng cường hợp tác với chuyên gia về vi mạch bán dẫn trong xây dựng chương trình và giảng dạy.
Dự kiến từ năm 2024 đến năm 2027 trường có khoảng 500 chỉ tiêu ngành thiết kế vi mạch bán dẫn và chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang ngành này. Năm 2028 trở đi, sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành thiết kế vi mạch bán dẫn.
Còn theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, để từng bước phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng nên lựa chọn đi những bước đầu tiên là phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngành điện tử, bán dẫn để xây dựng ngành này phát triển. FPT dự kiến đào tạo và có thể gửi sinh viên sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) làm việc để tạo nguồn nhân lực nhanh chóng. Sau đó, đưa nhân sự này quay về làm việc tại Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 5 thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Thành phố triển khai các dự án. Đặc biệt là xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ AI phát triển nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá của Thành phố.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những điểm đến đầu tư lĩnh vực vi mạch, bán dẫn hàng đầu Việt Nam, Thành phố đang nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các công ty.
TP. Đà Nẵng có hạ tầng công nghệ thông tin tốt với các Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, Công viên phần mềm; kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP. Hiện có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số với nhân lực hơn 46.000 người, trong đó có 250 doanh nghiệp vi mạch, điện tử với 10.500 lao động với 550 kỹ sư thiết kế vi mạch.
Lưu Hương