|
Đặc khu kinh tế Chennai, Ấn Độ
|
Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên ở châu Á nhận ra tầm quan trọng của các mặt hàng xuất khẩu, bởi vậy, để thúc đẩy xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh của nền công nghiệp, năm 2000, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập các đặc khu kinh tế.
Những khu công nghiệp khép kín này được xây dựng dựa trên “công thức” của Trung Quốc, với tham vọng đưa Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu, nhưng mọi thứ có vẻ chưa đi đúng hướng.
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Ấn Độ đã đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho việc vận hành các đặc khu kinh tế, nhiều đặc khu kinh tế có sân bay, hải cảng và ga tàu riêng. Ấn Độ cũng đưa ra các ưu đãi về thuế, như các nhà đầu tư được giảm thuế trong vòng 15 năm đối với các dự án được thực hiện trong các đặc khu kinh tế trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.
Tổng diện tích của các đặc khu kinh tế của Ấn Độ là 61,624 hecta, trong khi một mình đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc đã là 49,300 hecta.
Ngoài ra, năm 2005-2006, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập cơ quan pháp lý chịu trách nhiệm điều tra và xét xử các tranh chấp trong các đặc khu kinh tế để đảm bảo rằng việc điều tra và xét xử sẽ được tiến hành nhanh chóng.
Các đặc khu kinh tế đóng vai trò quan trọng cho những thành công kinh tế của Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ tin rằng công thức tương tự sẽ giúp kinh tế nước này “tăng tốc”.
Điều gì kìm chân
Đặc khu kinh tế có thể sẽ là một trong những trọng tâm để thực hiện tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi trong chương trình “Make in India”- chương trình Quốc gia nhằm biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Nhưng theo các chuyên gia ngành công nghiệp, việc thu hồi ưu đãi thuế đã làm đặc khu kinh tế trở thành mục tiêu kém hấp dẫn.
Theo bản điện tử của nhật báo kinh tế Ấn Độ Business Standard, từ năm 2000-2014, Ấn Độ đã cấp phép cho 564 đặc khu kinh tế ,nhưng tính đến tháng 6/2014, chỉ có 192 khu là còn đang hoạt động. Thống kê năm 2014 cho thấy tổng số việc làm được tạo ra trong các đặc khu kinh tế là 1.277.645, ít hơn so với con số 1.743.530 của năm 2009.
Bộ Thương mại Ấn Độ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu để tìm nguyên nhân khiến các đặc khu kinh tế của nước này không thể hoạt động hay hoạt động kém hiệu quả. Đó là do Chính phủ Ấn Độ đã dành các ưu đãi cho các đối tượng nằm ngoài đặc khu kinh tế và rút bớt ưu đãi cho các đặc khu kinh tế khi ký các thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA).
Bà Arpita Mukherjee, Giáo sư tại Hội đồng cố vấn Ấn Độ chuyên nghiên cứu về quan hệ kinh tế quốc tế (ICRIER), người đứng đầu nghiên cứu nói trên, cho rằng, việc thực hiện các chính sách thương mại nước ngoài vào năm 2009 mà thông qua đó trao một loạt các biện pháp khuyến khích xuất khẩu cho các nhà đầu tư ngoài khu vực đặc khu kinh tế chính là nguyên nhân khiến các đặc khu kinh tế không còn là đích đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
“Nói cách khác, Chính phủ Ấn Độ đã tạo ra một khu vực để thúc đẩy xuất khẩu rồi lại kìm hãm nó bằng những ưu đãi dành cho những khu vực khác”, bà Mukherjee nói.
Cụ thể, các nhà sản xuất ngoài khu vực đặc khu kinh tế được ưu đãi thông qua chương trình hoàn thuế, tức là được trả lại tiền thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu được sử dụng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Bà Mukherjee cho rằng những ưu đãi như vậy cần phải được áp dụng trong cả khu vực đặc khu kinh tế để đảm bảo một “sân chơi” công bằng.
Hơn nữa, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn vào năm 2008-2008 khi xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu đối với hàng hóa Ấn Độ giảm mạnh và việc miễn thuế bán sản phẩm đặc khu kinh tế không được chấp thuận.
Ấn Độ đã ký kết một số hiệp định tự do thương mại ( FTA ) với các nước như Sri Lanka, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo đó thuế nhập khẩu được giảm xuống bằng không cho nhiều dòng sản phẩm. Điều này đã tác động đến doanh số bán hàng trong nước của các đơn vị của đặc khu kinh tế, do các đơn vị này chịu mức thuế cao hơn.
Vivek Mehra, một đối tác tại Pricewaterhouse đề xuất rằng "các nhà sản xuất ở Ấn Độ nên được áp dụng mức thuế thấp nhất trong các Hiệp định tự do thương mại" .
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng yếu cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đặc khu kinh tế thất bại ở Ấn Độ. Tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đã đầu tư một cơ sở hạ tầng mang tầm vóc thế giới với đường xá, hải cảng, sân bay… kết nối trực tiếp đến các đặc khu kinh tế và điều này hoàn toàn thiếu ở Ấn Độ.