Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã nhấn mạnh nội dung trên trong buổi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), trong đó điểm nhấn là việc tổ chức Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022".
Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022" là sự kiện quan trọng được tổ chức vào trung tuần tháng 11/2022 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Ông Trịnh Ngọc Chung: Đây là sự kiện thường niên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức với mục đích kỷ niệm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Các hoạt động của Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" hướng tới 2 mục đích.
Thứ nhất là tôn vinh, giới thiệu và tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Ngoài việc giữ gìn để trao truyền lại cho các thế hệ sau thì một trong những điều quan trọng là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng vẫn phải phát triển bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cao hơn nữa là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, thực hiện Thông điệp của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đó là, chúng ta phải xác định văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, không chỉ là động lực, mục tiêu mà văn hóa còn là mạch nguồn của dân tộc, là sợi dây gắn kết dân tộc. Thông qua các hoạt động văn hóa để dân tộc Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn, thử thách dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, về tiềm lực chúng ta còn hạn chế nhưng chúng ta có sức mạnh dân tộc, được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được đúc kết từ mạch nguồn của dân tộc. Đó là nguồn cội, ý chí, tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước… của dân tộc Việt Nam
Các hoạt động tại 2 sự kiện nói trên, một lần nữa khẳng định tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời cho thấy sự quan tâm, mong muốn của Đảng và Nhà nước trong việc cộng đồng các dân tộc Việt Nam thể hiện tinh thần đại đoàn kết thông qua những hoạt động và việc làm cụ thể. Đồng thời, cùng nhau đoàn kết dưới mái nhà chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để có thể hoàn thành mục tiêu mà các kỳ Đại hội cũng như thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đặt ra cho xây dựng phát triển đất nước Việt Nam thời gian tới.
Thứ hai là hiện nay, tình hình thế giới đang có nhiều phức tạp, nhiều nước có những bất ổn, nhiều khi xuất phát từ những điều tưởng chừng đơn giản như vấn đề sắc tộc, quan điểm, lợi ích và ngay cả văn hóa… Kể cả những vấn đề liên quan đến chiến tranh cũng xuất phát từ những quan điểm, tư duy khác nhau. Tình hình thế giới cũng có tác động ít nhiều đến Việt Nam. Chính vì vậy trong bối cảnh hiện nay, được Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định Tuần "Đại đoàn kết dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2022 là hoạt động trọng tâm và một lần nữa không chỉ giúp chúng ta có sự động viên kịp thời đối với những vấn đề văn hóa, đại đoàn kết dân tộc.
Mặc khác, sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc Việt Nam tại sự kiện khiến đồng bào rất phấn khởi. Không chỉ được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự chia sẻ, động viên, tặng quà, thông qua các cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và các cộng đồng dân tộc được mời về các sự kiện.
Thông qua các hoạt động như vậy chúng tôi nhận được phản ánh của đồng bào các địa phương, các dân tộc rất phấn khởi, trân trọng sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhân dịp này, đồng bào dân tộc mới được về Thủ đô, được tham quan, giao lưu với các dân tộc khác, nhận thấy dân tộc mình có những điểm rất đặc sắc, quý báu; đồng bào các dân tộc khác cũng có những giá trị văn hóa riêng.
Thông qua những hoạt động này sẽ tạo nên sợi dây đoàn kết, gắn kết và thống nhất, thể hiện bằng hành động cụ thể trong sinh hoạt, giữ gìn văn hóa, định hướng về tư tưởng, thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước…
Điểm nhấn và điểm mới của Tuần "Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022" là gì, thưa ông?
Ông Trịnh Ngọc Chung: Trong sự kiện Tuần "Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022" có những điểm nhấn cụ thể:
Thứ nhất, đối với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có 18 cộng đồng dân tộc ở khắp vùng miền trên cả nước từ đồng bào Mông đến đồng bảo Khơ me, Ê đê, Cơ Tu… đang sinh sống, bảo tồn, lưu giữ và giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam… Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng dẫn của MTTQVN hướng tới ngày Đại đoàn kết dân tộc. Trên khắp đất nước đều diễn ra Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội này rất có ý nghĩa để chúng ta thể hiện ý chí, tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, thông qua các hoạt động đại đoàn kết, sẽ tổ chức trình diễn trang phục các dân tộc vùng núi phía bắc lần thứ nhất. Đây là lần đầu tiên tổ chức trình diễn trang phục này. Có thể nói, các dân tộc có những giá trị văn hóa rất đặc sắc trong đó có giá trị văn hóa về trang phục.
Thứ ba, tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản, những nghệ nhân có nhiều đóng góp cho bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của các dân tộc ở các vùng miền của đất nước. Đó là những người nắm giữ tri thức của các dân tộc. Họ về đây để giao lưu, chia sẻ, trao đổi, để trao truyền những kiến thức văn hóa cho con cháu sau này.
Thứ tư, ở các không gian văn hóa đang được xây dựng đầu tư ở Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tái hiện các lễ hội độc đáo, đặc sắc của các dân tộc. Ví dụ Lễ hội kết nghĩa mẹ con của đồng bào Tây Nguyên, lễ hội cầu mưa, lễ hội truyền thống đã đi sâu vào tâm khảm, là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, văn hóa dân gian của các đồng bào dân tộc. Đây là những hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc không chỉ hướng tới tôn vinh những giá trị văn hóa nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam mà còn giới thiệu cho du khách quốc tế và những thế hệ sau này biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình mà không phải đi đâu xa, chỉ cần lên Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là sẽ được thưởng thức, hưởng thụ, trải nghiệm trực tiếp bằng các hoạt động của đồng bào các dân tộc được Làng mời về để tái hiện và giới thiệu các hoạt động văn hóa đó.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa của các dân tộc để khi du khách đến đây có những trải nghiệm những giá trị văn hóa đó trực tiếp.
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của công nghệ 4.0 với rất nhiều các hoạt động văn hóa giải trí đa dạng, đặc sắc, vậy làm thế nào để thu hút du khách và người dân quan tâm đến văn hóa truyền thống, tìm đến nhiều hơn nữa những địa điểm văn hóa, di sản của Việt Nam? Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có kế hoạch gì để đổi mới hoạt động và thu hút du khách trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Trịnh Ngọc Chung: Đây là vấn đề chúng tôi đang trăn trở. Nếu nói về những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc chúng ta có thể tìm thấy ở bất cứ tài liệu nào và chúng ta có thể nói rất nhiều hằng ngày, hằng giờ không hết. Nhưng vấn đề là để du khách không chỉ nghe qua giới thiệu thuyết minh mà phải được thưởng thức, được trải nghiệm, được nhìn thấy, mới quan trọng.
Với việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ 4.0, năm 2023 Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ chuyển sang số hóa. Hướng tới mục đích những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam không chỉ tái hiện, bảo tồn, gìn giữ ở các bản làng, ở không gian của văn hóa của Làng mà chúng ta phải bảo tồn, gìn giữ phát huy trên không gian số. Du khách ở bất cứ nơi nào cũng có thể được thụ hưởng, thưởng thức, trải nghiệm, tìm hiểu về những giá trị văn hóa mà không cần phải đến trực tiếp, không cần phải có mặt tại địa điểm đó mà vẫn có thể tiếp cận được.
Qua đó, đông đảo người dân có thể tiếp cận, thụ hưởng được những giá trị văn hóa mà Dự án xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư.
Năm 2023, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao kế hoạch và chúng tôi đang triển khai thực hiện số hóa các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc hướng tới việc bảo tồn, phát huy bền vững, hướng tới giáo dục trải nghiệm cho du khách, đặc biệt hướng tới đối tượng học sinh, thanh niên, sau này là những người chủ tương lai của đất nước phải được trải nghiệm, làm chủ những giá trị văn hóa đó.
Thế hệ trẻ ngày nay rất năng động, sáng tạo, vận dụng nhanh. Số hóa sẽ phục vụ các hoạt động ngay tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Khách đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam không cần phải nghe thuyết minh mà qua thực tế ảo, qua thuyết minh tự động, mã code QR, du khách sẽ được tranh bị tất cả những kiến thức, thông tin về những giá trị văn hóa của các dân tộc được thể hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đại đoàn kết dân tộc vẫn luôn là cội nguồn sức mạnh, là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, theo ông làm thế nào để tiếp tục phát huy tinh thần này nhất là ở phương diện của những người làm quản lý văn hóa và làm công tác văn hóa, để gìn giữ, lan tỏa truyền thống quý báu này của dân tộc
Ông Trịnh Ngọc Chung: Tinh thần đại đoàn kết dân tộc của chúng ta đã được truyền từ đời này qua đời khác, qua thăng trầm lịch sử, do vậy chúng ta càng quý, trân trọng những giá trị truyền thống đó. Qua nghiên cứu, tìm hiểu cho thấy giá trị, sức mạnh đó được kết tinh bởi giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Thông qua các hoạt động đó sẽ tạo gắn kết cộng đồng. Từ giá trị văn hóa tạo nên mạch nguồn, sức mạnh của dân tộc.
Đảng và Nhà nước có nhiều cơ chế chính sách, kể cả đầu tư về nguồn lực cho văn hóa. Trong nhiệm kỳ này, qua các chủ trương của Đảng và đặc biệt qua Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã thể hiện rõ nét sự quan tâm đến văn hóa. Điều đó cũng cho thấy người lãnh đạo cao nhất của Đảng khẳng định những giá trị văn hóa và có những chỉ đạo cụ thể.
Cùng với đó, Chính phủ đã quan tâm đến các hoạt động văn hóa, nhất là bố trí nguồn lực, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho các tổ chức văn hóa hoạt động. Trong thời gian tới, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội chắc chắn các hoạt động, đặc biệt là những hoạt động bảo tồn, phát huy, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ được cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể. Đây là động lực to lớn trong việc tiếp tục gìn giữ những giá trị, gìn giữ truyền thống, tinh thần đại đoàn kết. Từ đó, phát huy, nhân rộng để dù trong khó khăn, giá trị đoàn kết của dân tộc Việt Nam được giữ vững, nhân lên, trở thành động lực để đất nước vượt qua khó khăn thử thách, đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới.
Diệp Anh (thực hiện)