• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đại sứ Đặng Đình Quý: Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn LHQ

(Chinhphu.vn) - Theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý, việc Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn của Liên Hợp Quốc là đã chủ động thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại một cách thiết thực, hiệu quả.

13/08/2018 15:18

Đại sứ Đặng Đình Quý và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Giữa tháng 12 năm 1999, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lúc đó là ngài Kofi Annan đã viết trong Thông điệp chào đón thế kỷ mới: “Hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang chia sẻ vận mệnh chung. Chúng ta chỉ có thể làm chủ được vận mệnh đó nếu chúng ta cùng nhau đối diện với nó. Và các bạn của tôi, đó chính là lý do tại sao chúng ta có Liên Hợp Quốc”. Quả đúng như vậy! Kể từ khi được thành lập năm 1945 đến nay, Liên Hợp Quốc luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng để các quốc gia cùng nhau xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn và không còn tiếng súng, để người dân ở khắp các châu lục được sống trong hòa bình, an ninh và phát triển, để bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế được tuân thủ.

Việt Nam chủ động, tích cực tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động của Liên Hợp Quốc

Sau nhiều thập niên tiến hành đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã dành được những thành tựu có ý nghĩa to lớn lịch sử. Nhờ đó mà uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao. Bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (1998- 2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015- 2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021). Tuy nhiên, môi trường quốc tế biến động phức tạp cũng đặt ra những thách thức về đối ngoại không nhỏ. Những thách thức chung của nhân loại ngày càng gay gắt, đòi hỏi các nước trong đó có Việt Nam tích cực tham gia giải quyết.

Xuất phát từ các đánh giá về môi trường quốc tế và yêu cầu của đất nước, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII (1/2016) đã nêu rõ nhiệm vụ đối ngoại hiện nay là “giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước…; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Trong tổng thế chính sách chung đó, Đại hội Đảng cũng giao nhiệm vụ “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc”.

Thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Việt Nam đã và đang tiếp tục tham gia, đóng góp vào các trụ cột hợp tác cơ bản của Liên Hợp Quốc, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại một cách thiết thực, hiệu quả.

Góp phần duy trì an ninh quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định

Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác. Những thành tựu đó phù hợp với chủ trương đối ngoại “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương” mà Đại hội XII đã đề ra.

Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hoà bình, có những đề xuất quan trọng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột, thúc đẩy quyền con người và xây dựng hòa bình hậu xung đột, cải tiến phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an...

Sau khi hết nhiệm kỳ, Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Việt Nam đã tham gia phát biểu tại nhiều buổi thảo luận mở của Hội đồng Bảo an, với tư cách quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tại nhiều đề mục như: Các tổ chức khu vực và những thách thức hiện nay đối với an ninh toàn cầu, tôn trọng các nguyên tắc và tôn chỉ của Hiến chương Liên Hợp Quốc, tình hình Trung Đông và vấn đề Israel-Palestine, phụ nữ, trẻ em và xung đột vũ trang… Với tư cách điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thay mặt các nước ASEAN phát biểu tại nhiều phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về các vấn đề ASEAN quan tâm. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào tiến trình thương lượng liên chính phủ của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an.

Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tiếp tục ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Ngày 25/5/2018 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương tại Liên Hợp Quốc, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019. Việc Nhóm châu Á-Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên Hợp Quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.

Thực hiện chủ trương của Đại hội XII về “chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”, Việt Nam đã đẩy mạnh việc cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (ta đã bắt đầu cử lực lượng tham gia từ tháng 6/2014). Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam được thành lập trên cơ sở Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (thành lập từ năm 2013) nhằm phục vụ việc ta tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở góc độ sâu và quy mô hơn, đồng thời phù hợp với thông lệ của các quốc gia có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình. Từ năm 2013, Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình đã đề xuất và cử 27 lượt sĩ quan làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở châu Phi. Đầu năm 2018, nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên được cử tham gia phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Ta đang hoàn tất thủ tục với Liên Hợp Quốc để triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 với quy mô khoảng 70 người (trong đó 10 cán bộ nữ) đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan trong năm 2018, đồng thời xúc tiến công tác chuẩn bị để triển khai Đội Công binh, dự kiến hoạt động vào năm 2019. Bắt đầu từ cuối năm 2018, Việt Nam được Liên Hợp Quốc lựa chọn làm địa điểm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.

Tranh thủ các nguồn lực cho phát triển

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Liên Hợp Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên Hợp Quốc. Sau khi Việt Nam từ một nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình, hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc chuyển trọng tâm từ hỗ trợ kỹ thuật sang tư vấn chính sách thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như xoá đói giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, bình đẳng giới...

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam thông qua việc chủ động xây dựng mô hình và tham gia vào các dự án hợp tác ba bên, cùng Liên Hợp Quốc thực hiện thí điểm thành công Sáng kiến Thống nhất hành động (DaO), xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Việt Nam đang nỗ lực triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Sáng kiến của Liên Hợp Quốc về ứng phó với El Nino và La Nina…

Trong năm 2016-2018, với tư cách thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC), Việt Nam đã hoạt động tích cực trong mảng kinh tế-phát triển tại Liên Hợp Quốc, nắm bắt xu thế, các chuyển động lớn của thế giới trong lĩnh vực phát triển để chủ động tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách phát triển của ta, nêu các nhu cầu, quan tâm của Việt Nam cần sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, góp phần huy động nguồn lực cho phát triển thông qua hoạt động của các quỹ, chương trình tại Việt Nam.

Ngày 5/7/2018, Việt Nam và Liên Hợp Quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên Hợp Quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030. Kế hoạch Chiến lược chung 2017-2021 được xây dựng phù hợp với Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 2011-2020, Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 2016-2020 của Việt Nam, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tới năm 2030, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Kế hoạch Chiến lược chung tiếp tục tạo thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ đối tác giữa Liên Hợp Quốc, Chính phủ, các đối tác tư nhân, các đối tác phát triển, các tổ chức và các nhóm phi chính phủ được thành lập hợp pháp. Đây cũng là nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc trong những năm tới.

Để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến 2030, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động với sự phân công rõ trách nhiệm từ trung ương đến địa phương, bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Việc nỗ lực thực hiện thành công Kế hoạch hành động sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển.

Góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền con người

Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Vì sự năng động, tích cực và chủ động, Việt Nam được tín nhiệm làm điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền. Trong vai trò này, Việt Nam rất tích cực trong việc điều phối lập trường của các nước ASEAN ở Hội đồng Nhân quyền và thay mặt ASEAN phát biểu các đề mục ở Hội đồng này. Không chỉ ở Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cũng thúc đẩy các sáng kiến tương tự hoặc các chủ đề liên quan ở các diễn đàn khác, trong hoặc ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc gia trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, thể hiện qua việc bảo vệ thành công hai Báo cáo kiểm điểm định kỳ (UPR) về quyền con người.

Sau 3 năm là thành viên Hội đồng Nhân quyền, có thể thấy Việt Nam đã có đóng góp thiết thực vào thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch trong công việc của Hội đồng Nhân quyền, đóng góp xây dựng giá trị chung của nhân loại. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để đề cao chính sách, thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người; thúc đẩy được các vấn đề Việt Nam có lợi ích như quyền kinh tế-văn hóa-xã hội, quyền của nhóm dễ bị tổn thương, biến đổi khí hậu và quyền con người, quyền của người lao động trên biển…

Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các cơ chế nhân quyền Liên Hợp Quốc nói chung và Hội đồng Nhân quyền nói riêng, qua đó không chỉ thể hiện nỗ lực trong việc bảo đảm quyền cho mọi người dân mà còn là hình ảnh một nước Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không ngừng đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, các nước đối tác, kể cả những nước có quan điểm khác biệt về nhân quyền.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới, đồng thời phấn đấu đưa quan hệ hợp tác với Liên Hợp Quốc đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam cũng sẽ tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, nỗ lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ủng hộ các nỗ lực cải tổ Liên Hợp Quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động của tổ chức.

Đặng Đình Quý

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc