Đại tướng thành lập tổ Trung tâm của Cục tác chiến do Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó tổng tham mưu Lê Trọng Tấn trực tiếp chỉ đạo. Sau khi hai tướng này ra mặt trận thì Phó tham mưu trưởng thứ nhất Hoàng Văn Thái thay thế chỉ đạo. Ngày 18 – 7 – 1974, tại Đồ Sơn đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam phân tích cho tổ Trung tâm tình hình mới và yêu cầu mới của cách mạng miền Nam “Ngày nay vấn đề Việt Nam và Đông Dương nổi lên một vùng mà nhiều nước đều có ý đồ tranh giành ảnh hưởng. Họ rất sợ ba nước Đông Dương thắng lợi và mạnh lên. Ta làm sao tạo thời cơ giành thắng lợi sớm hơn, thắng ngay trong lúc các nước đó chưa sẵn sàng can thiệp. Muốn vậy phải chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa dứt điểm trong vòng một, hai năm, khi có thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam với thời gian nhanh nhất”. Ngày 18 – 7 – 1974 , Đại tướng nhận định và phân tích cho tổ Trung tâm: 1- xây dựng kế hoạch cơ bản 2 bước. Bước I giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng trên chiến trường. Bước II trên cơ sở đó tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Bản kế hoạch chiến lược của tổ Trung tâm được Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương phê duyệt (ngày 30 – 9 và 8 – 10 – 1974) quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm. Năm 1975 đánh Nam Tây Nguyên là chủ yếu. Ngày 10 – 3 – 1975 Buôn Ma Thuột bị tiêu diệt, sáng 16 – 3 địch ở Tây Nguyên rút chạy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình “Điểm trúng huyệt chí tử của địch ở Buôn Ma Thuột gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch bỏ Tây Nguyên thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đấy chúng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn”.
Thế là sau 5 tháng quân và dân ta đã tạo nên sự chuyển biến mau lẹ. Ngày 18 – 3 – 1975 Đại tướng đề nghị lên Bộ Chính trị “Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm nay (1975)”. Liền sau đó 7 ngày (18-3 – 25-3-1975) Đại tướng phân tích và đề đạt với Bộ Chính trị: Không cần đợi giải phóng xong Huế mới bắt đâu tấn công Đà Nẵng, phải đánh Đà Nẵng ngay, ở hướng Sài Gòn lực lượng ta đã đủ, yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn.
Sau khi giải phóng Huế, quân đoàn 2 và các sư đoàn quân khu 5 và tư lệnh là tướng Lê Trọng Tấn, chính ủy là tướng Chu Huy Mân đã tấn công đồng loạt (29 – 3 – 1945) và chỉ trong 32 giờ quân ta đã đập tan một cụm quân lớn do tướng ngụy Ngô Quang Trưởng chỉ huy, giải phóng căn cứ liên hiệp Đà Nẵng. Thực chất đây là vòng cung chiến lược phía Đông mà Đại tướng tổng tư lệnh đã ấp ủ, tính toán từ trước và chỉ trong 1 tháng thực hiện phương châm “Thần tốc, táo báo, bất ngờ, chắc thắng” vòng cung chiến lược phía Đông cùng các binh đoàn bộ đội địa phương tại chỗ đã giải phóng toàn bộ các thành phố, thị trấn dọc đường số 1, các tỉnh Đông Nam Bộ, sau đó cùng quân đoàn 4 và các lực lượng vũ trang thuộc quân khu 7 tiến đánh thẳng vào Sài Gòn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh từ 26 – 4 đến 30 – 4, Tư lệnh đại tướng Văn Tiến Dũng, chính ủy Phạm Hùng - Bí thư Trung ương cục Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó tư lệnh tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Trọng Tấn... đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao cho.
Tướng Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận giải phóng miền Nam với mưu kế thật là kỳ diệu: Căng địch ra hai đầu chiến tuyến, phía Bắc giữ địch ở Huế, Đà Nẵng, phía Nam giữ địch ở Sài Gòn. Giữ địch ở hai đầu như thế làm cho địch bộc lộ sơ hở ở quãng giữa miền Trung và Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào mưu kế và thế trận của ta sắp đặt, ta bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế tan rã và sau đó tập trung toàn bộ lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn.
Ký giả người Mỹ Donal Marshail viết: Đại tướng Giáp còn có tên là anh Văn đã có một vị trí trong lịch sử thế giới qua việc lãnh đạo lực lượng Việt Nam đánh bại lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ, đánh bại lực lượng Mỹ, Ngụy giải phóng Sài Gòn.
Trích Hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái NXB QĐND 1985 trang 72 – 80 (Những năm tháng quyết định)
Nguyễn Xuân Toàn |