• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đằng sau chuyển biến nhanh chóng, khó lường của tình hình quốc tế

(Chinhphu.vn) - Trong bài viết “Giữa một thế giới vạn biến”, chúng tôi đã đề cập đến bối cảnh chung của tình hình quốc tế và khu vực trong hai năm vừa qua, trong đó tập trung phân tích những chuyển biến mới về chính sách của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc và Mỹ đang dẫn tới “một kỷ nguyên mới về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn”. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích căn nguyên của những chuyển biến đó và thách thức đặt ra cho ngành ngoại giao để triển khai hiệu quả Đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 12.

09/08/2018 14:04
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G20 tại Đức

Sự thay đổi nhanh chóng và khó lường của tình hình quốc tế trong những năm qua bắt nguồn từ sự thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng giữa các nước lớn, khiến cạnh tranh chiến lược ngày càng trở rõ nét.

Đến nay, Mỹ vẫn đang là siêu cường số một nhưng khoảng cách giữa Mỹ với các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc đang nhanh chóng được rút ngắn, khiến vị trí siêu cường của Mỹ đang bị thách thức hơn bao giờ hết.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo của phương Tây, vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới năm 2010, vượt Mỹ trở thành cường quốc thương mại lớn nhất thế giới từ năm 2013 và vượt Mỹ về quy mô GDP tính theo ngang giá sức mua năm 2014. Đây là lần đầu tiên trong 140 năm qua, Mỹ bị một nước khác vượt qua về quy mô kinh tế.

Thời điểm bắt đầu tiến trình “cải cách mở cửa” năm 1978, GDP của Trung Quốc khoảng 200 tỷ, chỉ chiếm khoảng 2% của thế giới trong khi đó GDP của Mỹ chiếm tới 25% GDP thế giới.

Sau 40 năm, GDP năm 2017 của Trung Quốc đã chiếm tới 16% trong khi tỉ trọng GDP của Mỹ giảm xuống còn 20%. Giả sử với mức tăng trưởng bình quân khoảng 6% như Trung Quốc dự kiến, GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để đứng đầu thế giới vào năm 2030.

Về quốc phòng, Trung Quốc đã trở thành cường quốc số một ở châu Á khi chi tiêu quốc phòng lên đến 175 tỷ USD, bằng 48% của toàn khu vực, tương đương tổng chi tiêu của 24 nước Đông Á và Đông Nam Á cộng lại nhưng thực chi được phương Tây đánh giá là lớn hơn nhiều, dao dộng từ 215-250 tỷ USD.

Sự thay đổi mạnh mẽ về tương quan lực lượng giữa các nước, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, đã thúc đẩy việc điều chỉnh chính sách, tạo thêm nhân tố bất ổn, khó lường đối với môi trường chiến lược.

Một ví dụ điển hình là Tổng thống Mỹ Donald Trump đang triển khai chính sách đối ngoại theo hướng thực dụng, đặt lợi ích Mỹ lên trên hết, trong đó coi trọng lợi ích kinh tế cụ thể và sẵn sàng thực hiện “đổi chác” trong quan hệ kinh tế với các nước, kể cả đối thủ và đồng minh.

Tổng thống Donald Trump ưu tiên quốc phòng hơn ngoại giao, bằng chứng là tăng 10% ngân sách cho quốc phòng trong khi giảm 30% ngân sách của Bộ Ngoại giao.

Trong khi Mỹ coi nhẹ ngoại giao thì Trung Quốc lại ra sức tăng cường vai trò của ngoại giao nhằm mở rộng ảnh hưởng ở cả khu vực và trên thế giới thông qua việc tăng ngân sách ngoại giao lên 15,5%. Trung Quốc từ bỏ phương châm “dấu mình chờ thời” để chuyển sang phương châm “tích cực làm nên công trạng”.

Cùng với Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Liên minh châu Âu cũng đang có những điều chỉnh nhằm thích nghi với môi trường mới cũng như những chuyển động trong quan hệ Mỹ-Trung.

Họ tiếp tục coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN để phòng ngừa bá quyền hoặc phân chia ảnh hưởng, góp phần duy trì thế cân bằng chiến lược ở khu vực.

Bên cạnh sự thay đổi về chính sách, sự thay đổi về tương quan lực lượng đã dẫn đến một trong những đặc điểm nổi bật của quan hệ quốc tế là hợp tác ngày càng linh hoạt và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Báo cáo Chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày khẳng định “Trung Quốc đang tiến gần hơn bao giờ hết đến vũ đài trung tâm của thế giới”. Những va chạm trong thời gia vừa qua là minh chứng cho thấy Trung Quốc ngày càng quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực từ an ninh, chiến lược, đến kinh tế và thương mại…

Trong khi Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) từ năm 2013 đến nay thì Nhật Bản và Mỹ đang cùng thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà cốt lõi là bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia.

Nhật Bản thì công bố Sáng kiến Cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á trị giá tới 200 tỷ USD để trạnh tranh với BRI, đồng thời đang cùng Ấn Độ thúc đẩy hành lang tăng trưởng Á-Phi. Còn Ấn Độ đang tích cực hơn trong triển khai chính sách “Hành động hướng Đông”.

Cạnh tranh và hợp tác còn thể hiện qua các liên kết kinh tế trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học công nghệ và tính tùy thuộc gia tăng, trong đó rõ nét nhất là các nước ưu tiên cho quá trình hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương chất lượng cao.

Trung Quốc đã ký FTA với 22 đối tác còn Mỹ đã ký FTA với 20 đối tác. Ngay cả Việt Nam cũng đã ký 16 FTA với các đối tác song phương và đa phương.

Một trong những đặc điểm của các FTA thế hệ mới là cam kết “nhanh-sâu-rộng” cho phép các bên ký kết tiếp cận thị trường một cách toàn diện với mức độ tự do hóa cao; các quy định và chế tài chặt chẽ và đây là các hiệp định mở cho phép các nước thành viên tiếp tục đàm phán, sửa đổi các cam kết cho phù hợp với tình hình và mở rộng; cho phép kết nạp thành viên mới.

Đằng sau quá trình liên kết quốc tế cũng thể hiện sự cạnh tranh, cọ xát lợi ích kinh tế-thương mại, tranh giành ảnh hưởng để xác lập vị trí tối ưu trong chuỗi giá trị toàn cầu và trật tự kinh tế quốc tế mới, nhất là giữa các nước lớn.

Song song với tiến trình hợp tác, liên kết kinh tế là xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn, tạo thêm sức ép trong quá trình hội nhập của các nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.

Rõ ràng, tương quan lực lượng giữa các cường quốc thay đổi nhanh và sâu sắc là cơ sở thúc đẩy điều chỉnh chính sách của các nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, tạo thêm nhân tố bất ổn, khó lường đối với môi trường chiến lược ở khu vực và trên thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhìn từ góc độ chiến lược, chúng ta đang sống trong một thế giới với những thay đổi, chuyển động vô cùng nhanh chóng, nhất là trong hai năm qua, do đó việc đánh giá đúng về tình hình thế giới và khu vực là “hết sức quan trọng” để chủ động nắm bắt và tận dụng được cơ hội đồng thời hóa giải thách thức nhằm thực hiện sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 12.

Chính vì vậy, tinh thần chủ động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa là tâm thế của toàn ngành ngoại giao trong thời gian tới và sẽ được quán triệt sâu sắc tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12-17/8.

Hải Minh