Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Đánh giá đúng tình hình, áp dụng biện pháp "cứng rắn" đúng thời điểm giúp Đà Nẵng khống chế dịch. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Thưa ông, đầu tháng 7 vừa qua, dịch COVID-19 tại Đà Nẵng được đánh giá là rất phức tạp, ở mức nguy cơ rất cao. Đây là thời điểm rất khó khăn để đưa ra giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với thực tế địa phương?
Ông Lê Trung Chinh: Đà Nẵng có không ít kinh nghiệm đối phó với dịch COVID-19 vì đã trải qua nhiều đợt chống dịch. Đợt tái bùng phát dịch với cường độ lây lan nhanh của chủng virus mới vào giữa tháng 7 vừa qua, Đà Nẵng đã chủ động triển khai các biện pháp với mục tiêu khống chế sự lây lan, không để ca bệnh tiếp tục tăng lên, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Rút kinh nghiệm từ các địa phương khác và sau khi bàn bạc kỹ với lãnh đạo các cấp, tham khảo ý kiến của chuyên gia, lắng nghe dư luận, chúng tôi quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch “cứng rắn” hơn.
Nhiều chủ trương, quyết định quan trọng và chưa có tiền lệ đã được ban hành và triển khai trên toàn Thành phố. Chẳng hạn, từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 5/9, toàn Thành phố tiếp tục triển khai chủ trương “ai ở đâu thì ở đó”.
Trước khi đưa ra quyết định này, chúng tôi cũng đã cân nhắc rất cẩn thận, với mục tiêu cao nhất là không để Đà Nẵng rơi vào tình trạng mất kiểm soát dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết vào thời điểm này.
Việc thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”đã tạo ra bước ngoặt trong công tác phòng chống dịch của Đà Nẵng. Xin ông chia sẻ kết quả đạt được, cũng như bài học kinh nghiệm, nhất là công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của lãnh đạo Thành phố trong thời gian vừa qua?
Ông Lê Trung Chinh: Trong 20 ngày thực hiện chủ trương “ai ở đâu thì ở đó”, Đà Nẵng tầm soát, sàng lọc và ghi nhận 2.400 ca mắc tại 55/56 xã, phường (trừ xã Hoà Bắc thuộc huyện Hòa Vang), chiếm 56,2% số ca mắc từ ngày 10/7 đến nay.
Trong 20 ngày này, hoạt động phòng, chống dịch đã đạt được mục tiêu cắt đứt nguồn lây trên toàn Thành phố. Việc sớm quyết định áp dụng các biện pháp quyết liệt đã giúp Đà Nẵng cơ bản bóc tách, kiềm chế được sự gia tăng của các F0, không để lây nhiễm sâu trong cộng đồng. Nhờ đó, ngành y tế và cả hệ thống chính trị mới đủ sức thực hiện cách ly, điều trị hiệu quả, tỉ lệ tử vong của người nhiễm bệnh ở mức thấp (0,9%). Công tác xét nghiệm đạt số lượng và tốc độ thực hiện xét nghiệm RT-PCR đạt trên 140.000 lượt người/ngày, đồng thời duy trì tốt công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.
Việc triển khai hiệu quả các quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt trong 20 ngày là do Đà Nẵng đã có những đánh giá đúng tình hình, áp dụng các biện pháp đúng thời điểm, đồng thời có sự thống nhất quan điểm, chủ trương từ thành phố đến cơ sở, nhất là các lực lượng thực thi ở tuyến đầu phòng chống dịch, cũng như sự chung tay của mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội và các địa phương bạn, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…
Đặc biệt, Đà Nẵng ghi nhận, đánh giá cao sự đồng lòng của người dân. Chính ý thức chấp hành nghiêm túc của người dân trong thực hiện các biện pháp quyết liệt nhưng đầy khó khăn vừa qua, đã đem lại thành công bước đầu trong phòng, chống dịch.
Từ những việc làm nói trên, chúng tôi cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm, làm định hướng cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đó là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thần tốc các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ cấp Thành phố đến tận tổ dân phố, ban điều hành khu dân cư, bảo đảm thực thi nhiệm vụ thông suốt; ý thức, trách nhiệm của nhân dân tạo nên sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương, biện pháp là yếu tố quyết định sự thành công của công tác phòng, chống dịch.
Công tác tổ chức thực hiện triển khai một cách quyết liệt, triệt để, đồng thời công tác kiểm tra, giám sát, động viên, biểu dương, nhắc nhở chấn chỉnh kịp thời, đúng người, đúng việc… đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, kịp thời điều chỉnh các biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, theo dõi của Trung ương, sự hỗ trợ của địa phương bạn, của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… tạo nên nguồn động viên, nguồn lực to lớn để chính quyền và nhân dân Đà Nẵng vượt qua khó khăn.
Cùng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp để kiểm soát dịch, Đà Nẵng đã triển khai những chính sách gì để hỗ trợ người dân, hộ nghèo, lao động tự do... vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Đây là lần đầu tiên Thành phố áp dụng biện pháp mạnh nhất để phòng, chống dịch COVID-19, nên những ngày đầu vẫn có sự lúng túng trong công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, nhất là công tác cung ứng lương thực, thực phẩm. Một số nơi, việc cung ứng thực phẩm chưa thật sự bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng, dẫn đến có sự than phiền của người dân.
![]() |
Các lực lượng trực chốt làm nhiệm vụ trong những ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Nhưng ngay sau đó, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành phố, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan đã phối hợp thông suốt hơn. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận sự tích cực của các ban điều hành tại các tổ dân phố, thôn, lực lượng công an khu vực, cũng như sự chung tay, chia sẻ kịp thời của mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội và sự hỗ trợ, đóng góp lớn về vật chất của các địa phương bạn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… đã giúp cung cấp được lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến người dân.
Về công tác an sinh xã hội, việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do... Do vậy, bên cạnh việc yêu cầu Sở LĐTB&XH, UBND các quận, huyện và các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai kế hoạch hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Đà Nẵng cũng đã thực hiện các chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chính sách của Thành phố là hướng đến người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; nhóm đối tượng là người lao động mất việc làm, khó khăn do đại dịch COVID-19; tạo điều kiện hỗ trợ cho những người dân gặp khó khăn, nhất là lao động ở những ngành nghề có thu nhập không cao, không có giao kết hợp đồng lao động, bảo đảm ổn định đời sống.
Đến nay, tổng số kinh phí đã hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 135 của UBND TP. Đà Nẵng là 78,5 tỷ đồng. Riêng trong 20 ngày thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, Thành phố đã hỗ trợ cho tất cả các hộ gia đình, kể cả hộ ở trọ, học sinh, sinh viên bằng tiền mặt, hoặc hàng hóa với giá trị 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí thực hiện hơn 247 tỷ đồng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng nhanh chóng triển khai việc cấp 1.630 tấn gạo từ nguồn Trung ương cho 108.709 người, hỗ 96,4 tỷ đồng cho các hộ khó khăn trong vùng cách ly y tế…
Bên cạnh đó, sự quan tâm, theo dõi của Trung ương, sự hỗ trợ của địa phương bạn, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân… đã tạo nên nguồn động viên, nguồn lực lớn, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề an sinh cho chính quyền và nhân dân Đà Nẵng.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai giải pháp phòng chống dịch như thế nào trong thời gian đến, thưa ông?
Để thực hiện điều này, Đà Nẵng đang gấp rút chuẩn bị nhân lực, vật lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế phân bổ trong thời gian tới nhằm bảo đảm tiêm cho toàn thể người dân trong thời gian sớm nhất có thể. Thành phố phấn đấu đến cuối tháng 9 này cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa trở lại đối với các hoạt động kinh doanh, sản xuất, các hoạt động xã hội…
Vấn đề quan trọng nữa là tạo được sự chủ động hơn, có ý thức hơn cho mỗi người dân trong việc bảo vệ mình, bảo vệ những thành quả đạt được tại cộng đồng dân cư trong công tác phòng, chống dịch.
Đà Nẵng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch để tăng hiệu quả của việc kiểm tra, kiểm soát và giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các hoạt động xã hội.
![]() |
Ngành y tế Đà Nẵng tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Dịch bệnh tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Vậy, Đà Nẵng sẽ có chủ trương, giải pháp gì để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế khi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã bao phủ toàn Thành phố?
Ông Lê Trung Chinh: Nếu lượng vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế cung ứng đủ, kịp thời, cộng với việc triển khai khoa học, bài bản, chi tiết như hiện nay, đến cuối năm 2021 Đà Nẵng có thể tiêm hết cho người dân trên 18 tuổi.
Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, trên cơ sở đánh giá diễn biến dịch bệnh và xác định tinh thần trong thời gian tới là tiếp tục phát triển kinh tế và phòng, chống dịch, Đà Nẵng sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, cùng với các giải pháp để mục hồi kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Một số giải pháp Thành phố đã đặt ra và cần thực hiện sớm ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đó là tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, tài nguyên, môi trường giai đoạn 2020-2022.
Thành phố cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình tình “bình thường mới”. Tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ, trong đó tăng cường công tác đối thoại và mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Đây là giai đoạn hết sức khó khăn với các doanh nghiệp, do đó, bên cạnh những giải pháp, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, thuế… từ Trung ương, chúng tôi luôn muốn nhận được những ý kiến đóng góp, đề xuất cụ thể đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp trong thẩm quyền quyết định của địa phương.
Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành và thấu hiểu, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ từng bước vượt qua khó khăn này, sớm bước vào những ngày “bình thường mới” sôi động tươi vui của thành phố bên sông Hàn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thế Phong