Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo TS. Trần Du Lịch, phương pháp tiếp cận phải đặc biệt vì bước vào năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội (2021), nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của nước ta khi đó là tổ chức phòng, chống dịch COVID-19.
"Ngay từ năm 2020, năm trước của nhiệm kỳ, dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới, chúng ta không ngoại lệ. Năm 2021, công tác chống dịch tiếp tục được triển khai khi dịch bệnh tác động nặng nề tới mọi hoạt động của đời sống xã hội", TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Năm 2021, Chính phủ quyết liệt triển khai "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nỗ lực đảm bảo để các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nhằm duy trì sản xuất, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, trong khi yêu cầu kiểm soát dịch vẫn được đặt lên hàng đầu.
"Nói nôm na, chưa bao giờ có chuyện Nhà nước phải hạn chế người dân làm ăn như vậy, hầu hết hoạt động kinh tế trong giai đoạn này không thể diễn ra như bình thường. Có thời điểm, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành chỉ thị về "giãn cách xã hội" để chủ động ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân", TS. Trần Du Lịch nói về những quyết định điều hành khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Sang năm 2022, khi bắt đầu triển khai kế hoạch phục hồi được nửa năm thì nền kinh tế Việt Nam phải đối phó với hàng loạt khó khăn. Đó là tình hình bất ổn địa chính trị trên thế giới, vấn đề lạm phát tại nhiều quốc gia hay tác động của việc thực hiện các giải pháp chấn chỉnh thị trường bất động sản, thị trường tài chính… Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Bước sang năm 2023, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp hơn kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức nền kinh tế phải đối mặt, thậm chí còn lớn hơn những dự báo ở thời điểm đầu năm, kết quả tăng trưởng đạt được như trên là khá tích cực.
Với một nhiệm kỳ 5 năm thì có một nửa thời gian, mọi hoạt động tập trung vào phòng, chống dịch và sau đó mới là khôi phục nền kinh tế. Ảnh hưởng của đại dịch, nhất là hệ quả của giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội đến nay chưa phải đã đánh giá hết được. Nhiều lĩnh vực kinh tế hiện chưa phục hồi trở lại như trước khi xảy ra dịch bệnh. Như vậy, để đánh giá thành tựu đạt được, cách tiếp cận cần rất khách quan.
TS. Trần Du Lịch nhìn nhận giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022 và nửa đầu năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế Việt Nam đạt được là rất tích cực. "Nếu nhìn nhận kết quả nửa nhiệm kỳ này để so với nhiệm kỳ trước đó thì rõ ràng chúng ta không hài lòng. Nhưng nếu nhìn ra toàn khu vực và thế giới, trong cùng thời điểm thì điểm sáng tại Việt Nam vẫn nhiều hơn. Đây không phải ta tự khen ta mà rõ ràng đó là thực tế", TS. Trần Du Lịch cho biết.
Nổi bật trong điều hành của Chính phủ nửa nhiệm kỳ vừa qua, theo TS. Trần Du Lịch, đó là sự linh hoạt, kịp thời trong phản ứng chính sách. Ông dẫn chứng, bước vào quý IV/2022, trước vấn đề lãi suất tăng cao, thanh khoản của ngành ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn…, cùng với tình hình biến động khó lường của thị trường thế giới, câu hỏi đặt ra là khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam như thế nào?
"Lúc đó, dư luận khá băn khoăn về khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước sức ép này đến cỡ nào, qua năm 2023 có chịu nổi không? Tôi nhớ, ngay chiều ngày 12/9/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc họp với các bộ, ngành, chuyên gia và các tổ chức quốc tế về việc làm sao giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Đến thời điểm này, có thể thấy sức chống chịu của nền kinh tế đã được củng cố", TS. Trần Du Lịch nhìn nhận.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Những điều chỉnh này dù chưa có tác động mạnh đến việc cho vay nhưng là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, ngược chiều với giai đoạn cuối năm 2022 vừa qua.
Còn hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị kết thúc tháng đầu của nửa sau nhiệm kỳ Đại hội XIII, thời điểm này, kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến tích cực. Những lo lắng hồi đầu năm 2023 như tình hình thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng, lạm phát… đã dần chuyển biến tích cực; khó khăn của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhưng đang được đẩy mạnh tháo gỡ.
Mặt khác, những nỗ lực của Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc ưu tiên thúc đẩy 3 trụ cột, gồm: Xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng nội địa đang thu được kết quả khích lệ.
Cụ thể, về kim ngạch xuất khẩu, mặc dù kết quả 7 tháng qua vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị xuất khẩu trong tháng 7 tiếp tục xu hướng tháng sau tăng so với tháng trước. Cùng với đó, tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng tích cực. Tính chung 7 tháng, tiêu dùng có mức tăng khá, hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, với việc khởi công nhiều công trình trọng điểm lớn cùng nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm, con số vốn đầu tư công được giải ngân trong tháng 7 vừa được ngành thống kê công bố tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 300.000 tỷ đồng, đạt hơn 41% kế hoạch năm.
Với số vốn đầu tư công hơn 700.000 tỷ đồng cần giải ngân trong năm 2023, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022, nếu đưa được 90-95% số vốn này ra thị trường, tác động tới tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ rất lớn.
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ, TS. Trần Du Lịch cho rằng trước hết cần tập trung gỡ cho được "điểm nghẽn" hấp thụ vốn của nền kinh tế, bao gồm từ thủ tục hành chính đến chính sách tín dụng... Bên cạnh đó, chương trình hoàn thiện hệ thống pháp luật cần làm sớm và phải bảo đảm tính đồng bộ trong thực thi.
Theo ông Trần Du Lịch, quan điểm phân cấp, phân quyền mà Thủ tướng đã chỉ đạo từ đầu nhiệm kỳ nên làm mạnh hơn. Dự án đường vành đai 3 tại TPHCM cho thấy những gì địa phương làm tốt nên giao địa phương làm, qua đó tạo sự năng động, sáng tạo và chế độ trách nhiệm của bộ máy hành chính.
Ngoài ra, cần đảm bảo để các dự án hạ tầng lớn được triển khai sớm và hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Có chính sách để các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế, củng cố được tiềm lực.
TS. Trần Du Lịch hy vọng, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6% và năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, trong thời gian còn lại, điều cần quan tâm không phải tăng trưởng kinh tế cao hay thấp mà quan trọng nhất là phải tạo nền tảng bền vững, cả về hệ thống thể chế, pháp luật, cả về kết cấu hạ tầng để giai đoạn 5 năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và sự phát triển thực sự bền vững hơn./.
Mạnh Hùng