ĐTM là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xác định, phân tích, dự báo tác động môi trường của các dự án, các kế hoạch, quy hoạch phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Công tác ĐTM đã giúp Chính phủ Việt Nam từng bước cụ thể hóa và cải thiện hệ thống quy định ĐTM, tạo lập và phát triển năng lực đội ngũ thực hiện ĐTM và đã quyết định chấm dứt hoặc buộc điều chỉnh nhiều dự án có nguy cơ, rủi ro cao đối với môi trường. Quy định ĐTM của Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993 và đến nay đã có những điều chỉnh đáng kể với hai giai đoạn chính là giai đoạn nghiên cứu, học hỏi và giai đoạn luật hóa.
Bản chất của công tác ĐTM là quá trình tìm hiểu, dự báo các tác động môi trường và tác động xã hội tiêu cực, đề xuất giải pháp ngăn ngừa, hạn chế các tác động này khi dự án được thực hiện, đảm bảo dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một bộ phận các nhà quản lý và chủ đầu tư chưa nhận thức được ý nghĩa của công tác này. Họ thường coi yêu cầu lập báo cáo ĐTM như là một thủ tục trong quá trình chuẩn bị hoặc thực hiện dự án. Thậm chí nhiều người còn "đổ lỗi" cho yêu cầu thực hiện ĐTM đã cản trở hoạt động phát triển sản xuất và đầu tư. Vì vậy, khi được yêu cầu lập báo cáo ĐTM, họ chỉ làm lấy lệ, chú trọng làm cho đủ thủ tục để dự án được thông qua chứ không quan tâm đến những tác động và nguy cơ môi trường thực sự.
Ngoài ra, "phong trào" cấp phép ồ ạt cho các dự án xây dựng sân golf ở Việt Nam trong những năm qua là một minh chứng điển hình. Nếu các dự án này tuân thủ thực hiện ĐTM nghiêm túc và chất lượng thì sẽ không có những xung đột xảy ra giữa các chủ dự án và cộng đồng địa phương do tranh chấp quyền sở hữu, tiếp cận, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước.
Theo các chuyên gia, ở Việt Nam có những dự án đầu tư trị giá đến hàng chục tỷ đồng, nhưng chi phí thực hiện ĐTM thậm chí chỉ là vài chục triệu đồng. Đây là điều không hợp lý vì với mức chi như vậy khó có thể đáp ứng một loạt các yêu cầu khảo sát và đo đạc một cách nghiêm túc và cập nhật các chỉ tiêu môi trường ở các khu vực dự án cụ thể. Chi phí không đủ nhưng báo cáo vẫn được lập xong là cơ sở để nghi vấn về độ tin cậy về thông tin và chất lượng báo cáo. Bên cạnh đó, chủ đầu tư luôn đặt ra mục đích cao nhất là đề xuất dự án được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho thực hiện, vì thế khó có thể nói rằng họ chi tiền (của mình) thuê cá nhân hay tổ chức tư vấn lập báo cáo ĐTM để dẫn tới quyết định dự án bị trì hoãn hoặc chấm dứt ngoài mong muốn của họ.
Các chuyên gia phản biện cho rằng, bên cạnh năng lực và kiến thức, người lập báo cáo ĐTM và chủ dự án cần phải ý thức được lương tâm, trách nhiệm của mình về bảo vệ môi trường và an sinh xã hội của người dân hiện tại và mai sau. Quy định luật pháp có thể không ràng buộc được lương tâm của người lập báo cáo ĐTM, nhưng các chế tài về cam kết chất lượng và sự trung thực của báo cáo ĐTM cần được áp dụng triệt để.
Sự ra đời của lực lượng Cảnh sát Môi trường từ năm 2006 (C49) đã trợ giúp tích cực cho công tác thanh tra, giám sát thực hiện dự án và phát hiện những sai phạm như không thực hiện đầy đủ nội dung ĐTM hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp luật nào về hoạt động của CSMT như là một cơ quan điều tra chuyên trách; hay đối với hoạt động thanh tra môi trường, chỉ được thực hiện khi có quyết định thanh tra. Chính những thiếu hụt liên quan đến quyền hạn của thanh tra và cảnh sát môi trường đã làm hạn chế hiệu lực hoạt động của họ.
Nếu coi toàn bộ hệ thống quy định pháp luật ĐTM hoàn thiện là "một cốc nước" thì có thể nói rằng đến nay, Việt Nam đã "có được một nửa cốc nước". Hệ thống pháp luật đầy đủ và nghiêm minh sẽ giúp Việt Nam loại trừ được những bất cập liên quan đến công tác ĐTM như hiện nay.
Phạm Xuân