Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, Tổ công tác gồm 28 thành viên. Tổ trưởng là Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm. Tổ phó là ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
26 thành viên trong Tổ công tác gồm: 16 thành viên là đại diện các cục, vụ thuộc các Bộ: GTVT, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; 4 thành viên là đại diện Viện Khoa học và công nghệ GTVT, Viện Chiến lược và phát triển GTVT; 5 thành viên là các chuyên gia và 1 thành viên là đại diện doanh nghiệp.
Quyết định cũng nêu rõ, Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện 3 nội dung chính.
Cụ thể, xây dựng, triển khai các nội dung chi tiết nhiệm vụ "Nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng" gồm: Phạm vi khai thác, sử dụng; yêu cầu kỹ thuật, chỉ tiêu vật lý, hóa, công nghệ xử lý cát nhiễm mặn, hiệu quả kinh tế kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xây dựng tiêu chuẩn, định mức, áp dụng thí điểm cát biển sử dụng trong công trình dân dụng và giao thông.
Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về vật liệu cát biển sử dụng trong công trình dân dụng và giao thông.
Cuối cùng là báo cáo tổng kết đánh giá chất lượng, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, công nghệ xử lý cát nhiễm mặn, ứng dụng thí điểm việc sử dụng cát biển trong công trình dân dụng và giao thông. Báo cáo, tham mưu cho Chính phủ về khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng trong công trình dân dụng và giao thông.
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 13/1 của Bộ GTVT, về tình hình nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp cho các dự án cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo báo cáo, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL (khởi công trong giai đoạn 2022 - 2025) lên tới 40 triệu m3. Trong đó, năm 2023 cần khoảng 17 triệu m3, năm 2024 - 2025 cần khoảng 23 triệu m3.
Ngoài ra, nhu cầu cát làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khu vực ĐBSCL đến năm 2030 lên tới hàng trăm triệu m3. Trong khi đó, nguồn cát từ khai thác cát lòng sông chỉ đáp ứng được khoảng 50% trữ lượng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nguồn vật liệu đắp nền (cát, đất…) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL" để đánh giá tài nguyên cát biển.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ có kết quả giai đoạn 1 trong tháng 8/2023 và báo cáo toàn bộ tài nguyên trữ lượng tại khu vực trong tháng 12/2023. Dự kiến, cuối năm 2023, chúng tôi có thể công bố kết quả việc sử dụng cát biển có đáp ứng, bảo đảm điều kiện kỹ thuật, an toàn môi trường xung quanh trong sử dụng đắp nền thi công cao tốc", ông Kiên thông tin thêm.
Dẫn chứng khó khăn vật liệu cát đắp hiện nay, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu cát đắp nền đường phục vụ thi công 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3. Trong đó, năm 2023, nhu cầu vật liệu cho 2 dự án thành phần khoảng gần 11 triệu m3.
Tuy nhiên, hiện tại, các địa phương mới có chủ trương bố trí khoảng 3 triệu m3 trong năm 2023, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
Trước tình trạng trên, Bộ GTVT đã chủ động chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Trong đó, Ban QLDA Mỹ Thuận được giao triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với một đoạn tuyến thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau.
Sau khi quan trắc đánh giá, nếu đáp ứng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai thủ tục cấp mỏ cho các đơn vị khai thác.
Phan Trang