Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, trải dài trên phần diện tích khoảng gần 2 km2, bao gồm 6 ngọn núi đá vôi, được vua Minh Mạng đặt tên theo thuyết âm dương ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn.
Các ngọn núi mang trong mình những câu chuyện, những đặc điểm về cấu tạo địa chất, hình dáng cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử, phong thủy riêng biệt.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1980. Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Ngày nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn không chỉ đơn thuần tồn tại dưới góc độ di sản văn hóa mà nó còn là động lực, nguồn lực rất lớn cho kinh tế địa phương.
Theo thống kê của Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, năm 2018, Ngũ Hành Sơn đã đón hơn 1.990.000 lượt khách, thu ngân sách gần 84 tỉ đồng (tăng 34% so với năm 2017).
Từ khi được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 1980 đến nay, UBND TP. Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao và UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này; Trong đó, bao gồm việc lập Quy hoạch Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn và giải tỏa, di dời hàng trăm hộ dân xâm lấn khu vực bảo vệ của di tích
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắm mốc di tích. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Nhằm tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh, phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng trong thời gian tới tiến hành 4 công việc cụ thể. Một là, triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh.
Hai là, xây dựng phương án khai thác du lịch – văn hóa kết nối điểm di tích, danh lam thắng cảnh đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận
Ba là, đổi mới công tác giới thiệu, tuyên truyền về giá trị di tích, danh lam thắng cảnh bằng những hình thức phù hợp, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trong cộng đồng.
Cuối cùng, kiện toàn bộ máy quản lý di tích, danh lam thắng cảnh phù hợp với những quy định của pháp luật về phân cấp quản lý di tích, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương trong điều kiện hiện nay.
Minh Trang