Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Điện Biên - tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Việt Nam có nhiều kiểu địa hình khác nhau, phổ biến là địa hình núi cao được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Địa hình có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Với địa hình này, tỉnh Điện Biên có những khu vực tiềm năng gió rất tốt và ổn định.
Theo Global Wind Atlas, nhiều khu vực của tỉnh Điện Biên tại các vị trí đồi núi cao, vận tốc gió trung bình đạt từ 7 m/s đến 10 m/s ở độ cao 100 m và mật độ gió tốt. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió nhằm cung cấp điện năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên và khu vực.
Báo cáo trên cơ sở các công trình nghiên cứu về tiềm năng gió tại Trạm đo sức gió xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên cho thấy, tất cả các điểm khảo sát đều cho mức gió vượt yêu cầu để triển khai các dự án năng lượng gió tiềm năng lớn.
Trong chuyến khảo sát tiềm năng điện gió mới đây tại tỉnh Điện Biên, ông Miguel A. Rodriguez, Giám đốc Tài chính Siemen Gamesa (CFO), một tập đoàn có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) cho biết: "Qua khảo sát, tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam mức gió đều đạt hơn 6 m/s, riêng tại huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên mức gió đạt cao ở mức 7 m/s".
Về tiềm năng điện gió tại Điện Biên, ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cho biết thêm: "Theo đánh giá của Viện Năng lượng Việt Nam, Điện Biên có tiềm năng phát triển điện gió với tổng công suất từ 2500 – 3000 MW. Đến nay tổng công suất dự kiến mà các nhà đầu tư đề xuất khoảng 1400 MW".
Việc phát triển tiềm năng điện gió tại Điện Biên đã được Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu 10%, tỉnh Điện Biên xác định dựa trên ba trụ cột chính là tái cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và khai thác các lợi thế sẵn có của Điện Biên để phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Điện Biên cũng đang tập trung huy động nguồn lực để tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo về hạ tầng về giao thông, kết nối giao thông nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên địa bàn.
Việc nâng cấp mở rộng hiệu quả Cảng Hàng không Điện Biên Phủ và trong thời gian tới là thực hiện dự án đầu tư tuyến đường cao tốc Điện Biên – Sơn La trước năm 2030 sẽ là "cú hích" thu hút các dự án đầu tư vào Điện Biên.
Với sự thuận lợi về cơ chế, chính sách, tỉnh Điện Biên đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu, khảo sát tiềm năng điện gió và phát triển các dự án điện gió tại địa phương này.
UBND tỉnh Điện Biên đã cho phép 4 nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng 1480 MW.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện nội dung dự thảo, trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Ngoài 2 danh mục đã có trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII có công suất dự kiến 200 MW, tỉnh Điện Biên đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét bổ sung 6 danh mục các dự án điện gió trên địa bàn vào trong Quy hoạch Điện VIII với tổng công suất dự kiến 1280 MW.
"Nếu như được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện VIII, các dự án điện gió sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Điện Biên", Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định.
Kết quả khảo sát mới đây cũng cho thấy, các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên khi khai thác tối đa tiềm năng, mỗi năm ước tính tại khu vực này cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 20 tỷ kWh từ nguồn điện gió.
Đề cập đến việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực các tỉnh Tây Bắc, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: "Những nguồn điện gió này thực sự sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương và đóng góp vào phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Bắc. Chúng tôi thống nhất sẽ phát huy tối đa tiềm năng của khu vực này".
Theo Đề án Quy hoạch Điện VIII, về phân bổ cơ cấu nguồn đến năm 2030, nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, điện sinh khối sẽ chiếm khoảng 25% tổng quy mô công suất nguồn.
Việc sớm bổ sung nguồn điện gió khu vực Tây Bắc vào Quy hoạch Điện VIII không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà sẽ rút ngắn chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này trong tương lai.
Toàn Thắng